Bây giờ 90% trường học đều có đội cồng chiêng, trống, và một nhà gươl sạch đẹp trong khuôn viên trường. Buổi chào cờ sáng thứ hai hằng tuần của thầy trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tây Giang sặc sỡ sắc màu như những ngày hội truyền thống của các buôn làng. Nữ sinh rạng rỡ trong chiếc váy xòe với hoa thêu truyền thống. Còn nam sinh bên ngoài chiếc áo trắng học trò được khoác thêm chiếc áo truyền thống của đồng bào Cơ Tu với hoa văn độc đáo và rất riêng biệt.
Sau bài quốc ca, tiếng trống trường, bây giờ trong buổi chào cờ còn có thêm tiếng trống, tiếng chiêng trầm bổng vượt qua các ngọn đồi lừng lững giữa núi rừng bạt ngàn xanh. Ngay góc sân trường, một nhà gươl mái lá truyền thống được dựng lên, cùng với những bậc thềm gỗ và bếp lửa giữa nhà, không khí buôn làng xưa hiện diện ngay trong sân trường. Thầy Trần Quốc Tuấn, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết các thầy cô giáo trong trường cùng phụ huynh học sinh phải dành dụm nhiều năm mới dựng được căn nhà gươl này. “Thầy cô góp những ngày lương. Phụ huynh góp tranh, tre, nứa, lá và công sức để dựng lên. Các em học sinh và thầy cô đều rất hào hứng với công trình này. Tổng giá trị căn nhà không dưới 100 triệu đồng” - thầy Tuấn nói.
Không dừng lại ở việc đưa những căn nhà gươl vào trường học để nhắc nhớ các em về văn hóa buôn làng, các chị nấu ăn, đa số là người địa phương, ngoài giờ nấu ăn cho học sinh còn dạy các em cách dệt thổ cẩm. Ngay trong căn nhà gươl, hàng loạt khung dệt, những tấm vải rực rỡ sắc màu của cô trò vừa dệt xong còn thơm mùi vải được bày ra. Một cô nấu ăn của nhà trường cho biết không những học sinh nữ thích dệt vải mà cả học sinh nam cũng thích công việc tỉ mẩn này. Bây giờ nhiều em trong trường, đặc biệt là các em lớp lớn, có thể tự dệt cho mình được một chiếc váy xinh đẹp để tới lớp.
Dù ở xa xôi hơn, sát tận biên giới, nhưng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang) cũng có một mô hình tương tự Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tây Giang. Thầy Nguyễn Quang Tuấn, hiệu phó nhà trường, cho rằng ông rất tâm đắc với cách đưa truyền thống vào lớp học. “Bởi ở lứa tuổi này các em sẽ nhớ rất lâu, nhớ sâu về những kỷ niệm đẹp. Dù mai mốt các em ra trường có bay đi khắp chốn thì những ký ức về buôn làng, về văn hóa bản địa sẽ không quên. Việc tạo sân chơi sát với những gì đồng bào đang có phần nào cho các em niềm tự hào về bản thân và truyền thống của mình” - thầy Tuấn chia sẻ.
|
Các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Giang trong nhà gươl của trường - Ảnh: Tấn Vũ |
“Vốn riêng” cho học sinh
Ông Bling Mia - chủ tịch huyện Tây Giang, người khởi xướng và ủng hộ hết mình chương trình này - cho biết bây giờ toàn huyện Tây Giang có đến 90% trường có nhà gươl, có đội văn nghệ trống, chiêng, có đồng phục Cơ Tu chào cờ đầu tuần.
Ông Mia nhấn mạnh: “Trước cơn lốc của Internet và sự giao thoa nhanh chóng các văn hóa vùng miền, việc đòi hỏi giữ gìn bản sắc dân tộc cực kỳ khó khăn. Chúng tôi muốn các em có cái vốn cho riêng mình trước khi đi xa, bằng cách đưa văn hóa buôn làng vào trường học”.
|
|