Nắm bắt thực tế, ngay từ đầu năm Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp (DN) lên kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động, tư vấn cho lao động tại trung tâm ngay sau thời gian nghỉ tết. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết đến thời điểm này đã có 26 DN trong và ngoài tỉnh đăng ký thông qua trung tâm để tuyển dụng gần 3.000 lao động. Ngành nghề chủ yếu vẫn là may mặc, giày da và số ít nhân viên kinh doanh, lễ tân… So với mọi năm, nhu cầu của các DN về lao động cần tuyển không “sốt” với số lượng lớn nhưng hầu hết DN đều có nhu cầu tuyển dụng để mở rộng sản xuất. Đặc biệt với lao động có tay nghề cao, năm nay các DN rất “kén” trong tuyển chọn. Điều này có thể do trên thực tế thị trường lao động không đáp ứng được yêu cầu nên các DN tự đào tạo cho riêng mình theo kiểu vòng tròn khép kín, trong cơ sở sản xuất của mình, DN mở luôn cả cơ sở đào tạo nghề, cụ thể như ô tô Chu Lai – Trường Hải. Cũng theo ông Tưởng, trong ngày 14.2, trung tâm phối hợp với các DN sẽ mở sàn giao dịch việc làm đầu năm tại huyện Điện Bàn, ngày 15.2 sẽ mở sàn giao dịch việc làm tại xã Hương An (Quế Sơn) và số 10 Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ). Công ty Đầu tư thương mại tạp hóa Sài Gòn đã đăng ký và trực tiếp tham gia tại các sàn giao dịch việc làm này để sơ tuyển lao động đi Nhật Bản.
Cần hơn 7.000 lao động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định giá trị sản xuất VLXD tăng hơn 1,5 lần vào năm 2015 và đến năm 2020 tăng hơn 2,5 lần so với năm 2012. Theo đó, sẽ giải quyết thêm khoảng trên 7.000 lao động mới vào làm việc trong ngành sản xuất VLXD. Các phương án quy hoạch tập trung vào các chủng loại VLXD như xi măng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá, cát xây dựng, bê tông xây dựng và các loại khác như kính xây dựng, gạch ốp lát. Cụ thể, dự báo nhu cầu xi măng đến năm 2015 là hơn 1,2 triệu tấn, năm 2020 là 2 nghìn tấn; vật liệu xây là 699 triệu viên (năm 2015) và 959 triệu viên (năm 2020); cát xây dựng: 2,55 triệu m3 (năm 2015) và 3,94 triệu m3 (năm 2020)... Việc quy hoạch này nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đối với các chủng loại vật liệu thông thường như vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, các loại bê tông và một số loại vật liệu trang trí hoàn thiện khác. Ngoài ra, còn phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có lợi thế về thị trường tiêu thụ để mở rộng cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu. (PHÚC LÂM) |
Một điều phấn khởi trong năm nay, 80 lao động đã học và sát hạch tiếng Hàn đã được phía đối tác đồng ý tiếp tục “mở cửa” đón lao động sau thời gian tạm dừng việc tiếp nhận lao động Quảng Nam đi Hàn Quốc. Cạnh đó, để tăng cường năng lực cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hiện Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh cũng mở lớp đào tạo một ngành nghề “ít đụng hàng” cho lao động nông thôn là lớp sửa chữa thiết bị may mặc với thời gian đào tạo 6 tháng. Đây là nghề mà các DN may mặc đang rất cần tuyển dụng cho các chuyền may. Trong khi đó các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa mở được các lớp đào tạo nghề này. Anh Nguyễn Quang Dũng (xã Điện An, Điện Bàn) tham gia lớp học nghề sửa chữa thiết bị may tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trò chuyện với chúng tôi trong niềm tin tưởng, trong năm 2014 sẽ có việc làm ổn định. Dự định của Dũng là sẽ về Điện Bàn đầu quân cho một DN may mặc nào đó.
Rõ ràng khi đã có được “cầu nối” giữa người lao động và các DN thì việc làm cho lao động đạt kết quả như thế nào cần được nhìn từ hai phía “cung”, “cầu” và tay nghề của người lao động. Đáng chú ý, năm nay, theo ông Tưởng, ngoài việc khảo sát tay nghề để tuyển dụng, các bạn trẻ chưa có nghề cũng có cơ hội đăng ký học nghề, đăng ký học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc) và được tư vấn các chính sách liên quan về lao động việc làm. Hiện Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cũng đã giới thiệu trang web để người lao động tham khảo thông tin và đăng ký tìm việc làm tại địa chỉ: vieclamquangnam.vn.
VÕ VĂN TRƯỜNG