Theo phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện đã có hàng vạn tàu thuyền vào bờ an toàn nhưng theo báo cáo và thực tế ông đi kiểm tra còn rất nhiều ngư dân chưa chịu rời khỏi tàu.
Ngoài ra, có các khu vực xung yếu người dân vẫn còn nấn ná ở lại trong những căn nhà cấp 4 hết sức nguy hiểm. Vì vậy, phải tiếp tục di dời, nếu người dân không đi thì cưỡng chế.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang sẵn sàng quân số với tất cả phương tiện như xe thiết giáp, máy bay để ứng phó khi cần thiết.
Ông Phúc cho rằng với tình hiện hiện tại thì không được phép chủ quan bất cứ ở khu vực nào. Thường sau bão là lũ lớn nên phải quản lý chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa. Các nhà máy thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương để thông báo cho dân biết việc xả lũ, phải chú ý nghiên cứu xả lũ vào ban đêm.
Ngoài ra, ông Phúc chỉ đạo các ngành công an, các địa phương phải quản lý việc người dân đi lại trong và sau bão. Ngoài ra phải đảm bảo hệ thống thông tin liệc lạc để chỉ đạo ứng phó với cơn bão cực mạnh này.
Tại cuộc họp, trung tướng Lê Chiêm, tư lệnh Quân khu 5 cho biết, sau khi ông đi kiểm tra ở quận Liên Chiểu tại các khu nhà ở của sinh viên, công nhân hết sức tạm bợ nhưng còn rất đông chưa chịu di dời, đóng trái cửa. Trung tướng Chiêm kiến nghị phải tiếp tục di dời trong đêm các đối tượng này ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các vùng ven biển.
Đà Nẵng huy động xe thiết giáp, lập 3 đội ứng cứu chống bão
Chiều 9-11, UBND TP Đà Nẵng quyết định thành lập 3 đội ứng cứu đặc biệt gồm đội ứng cứu trên sông, đội ứng cứu sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão.
Theo đó, đội cứu hộ trên sông do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ huy gồm 9 phương tiện và lực lượng với 8 ca nô và 1 xe cấp cứu sẽ phối hợp với các địa phương các vùng ven biển giúp sơ tán dân; sau khi bão tan tiến hành cứu vớt, phục vụ cho việc tiếp tế lương thực đến các vùng bị cô lập.
Còn đội ứng cứu sập đổ công trình do giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ huy với xe tải, xe đào, xe xúc, xe nâng, phương tiện cơ động sẽ phối hợp giúp địa phương sơ tán dân, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học… Sau bão, sẽ tiến hành cứu, kéo người bị nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ khi cần thiết.
Đội ứng cứu khẩn cấp trong bão với 2 xe thiết giáp PTR152 và các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, sẽ hỗ trợ lãnh đạo đi thị sát, chỉ huy nắm tình hình, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp như cấp cứu người bị nạn, người đau ốm, sinh đẻ trong thời gian bão đổ bộ vào bờ.
Bình Định: quân và dân gấp rút phòng chống bão số 14
UBND tỉnh Bình Định tập trung di dời hàng ngàn hộ dân ở các địa phương ven biển trước 17 giờ ngày 9-11. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định huy động bộ đội thường trực, bộ đội biên phòng, công an, dân quân cơ động, dân quân tự vệ, dự bị động viên với tổng số gần 5.000 người và lực lượng của 12 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 để sẵn sàng tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước và trong khi bão xảy ra.
Ngày 8-11 Sở GD&ĐT Bình Định đã ra thông báo cho toàn bộ sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học. Tuy nhiên, ngày 9-11 ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định học sinh một số trường vẫn đi học, giáo viên đi tập huấn phòng cháy chữa cháy. Phó chủ tịch huyện Hoài Nhơn Hoàng Minh Giới cho biết: “Tôi làm việc với Phòng giáo dục thì họ nói là không nhận được văn bản của Sở. Sở chỉ thông báo cho trường THPT chứ không thông báo cho các trường THCS và Tiểu học nên họ vẫn để học sinh học bình thường”. Trong khi đó, giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh cho biết đã thông báo xuống tất cả các phòng và hệ thống trường học qua hệ thống mạng, điện thoại và thông tin đại chúng trong ngày 8-11.
Tính đến 19 giờ ngày 9-11, Bình Định còn 37 thuyền đánh cá còn hoạt động trong vùng bão ở biển Đông, khu vực đảo Trường Sa.
Quảng Trị di dời 20.000 dân tránh bão
Tại Quảng Trị, chiều 9-11, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra các điểm xung yếu ở các vùng ven biển Hải Lăng, Triệu Phong.
Trong khi đó, từ sáng 9-11, hàng nghìn hộ dân nhất là các vùng ven biển của tỉnh này đã tổ chức chằng chống nhà cửa. Bao cát, dây dợ được người dân sử dụng tối đa.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều gia đình có hàng quán nằm ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh đã tự lột mái lợp quán mình để tránh bị bão phá hoại. Ít nhất 20.000 người dân đã được lệnh di dời khẩn cấp để tránh bão. Nhất là tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Điểm di dời chủ yếu là các trường học, nhà kiên cố. Người dân được khuyến cáo mang theo đồ đạc để sinh hoạt. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, do tình hình tại Quảng Trị vẫn khá yên ắng nên chính quyền đã cho những người dân di dời tạm thời trở về nhà ăn cơm tối sau đó trở lại.
Tại huyện Gio Linh, ông Trần Ngọc Lân, chủ tịch UBND huyện cho biết, tất cả đã sẵn sàng để di dời. Trong đêm 9-11 sẽ tập trung di dời người già và trẻ em. Đến 4g sáng 10-11 sẽ tiếp tục di dời những người còn lại để đảm bảo an toàn trong bão. Để đề phòng song dâng cao đánh vỡ tàu thuyền của ngư dân, trong buổi chiều, lực lượng các đồn biên phòng ven biển đã được huy động để giúp dân neo buộc lại tàu thuyền.