Từ khi khởi thảo đề án và buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với Bộ VH-TT&DL đến nay đã tròn một năm. Các thủ tục pháp lý, kế hoạch, kịch bản, chương trình chi tiết, vận động tài trợ, thông tin tuyên truyền… đã đi đúng lộ trình với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và đồng thuận cao. Tất cả chương trình đặt ra ngay từ đầu trong đề án đã được triển khai đầy đủ. Ngoài một ban tổ chức chung, nhiều tiểu ban như an ninh, lễ tân, hậu cần, thông tin và từng địa phương, ban ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chịu trách nhiệm triển khai cho từng hoạt động. Tiến trình huy động nguồn lực xã hội hóa cũng khả quan. Sự thay đổi lịch trình của sự kiện này đều được thông báo nên không có gì trở ngại cho các hãng lữ hành trong việc lên lịch đưa khách về dự hội. Tất cả những đoàn hợp xướng, nghệ thuật trong và ngoài ASEAN, các ngoại giao đoàn được mời đã xác nhận tham dự lễ hội.
- Festival lần này có gì mới và hấp dẫn, thưa ông?
Chủ đề chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản thể hiện sự tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam và ASEAN là nét mới nhất của festival lần này.
Không gian lễ hội sẽ được mở rộng từ Hội An đến các vùng Điện Bàn, Mỹ Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành và lên tận miền ngược. Không khí sinh động, náo nhiệt sẽ ắp đầy suốt 5 ngày lễ hội với hợp xướng quốc tế, quy tụ khoảng 1.500 nghệ sĩ của 40 đoàn đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; lễ hội carnaval đường phố; liên hoan hô hát bài chòi miền Trung; festival di sản văn hóa phi vật thể các nước ASEAN với nhiều chương trình biểu diễn của khoảng 300 - 400 thành viên của 10 đoàn nghệ thuật. Trên cái nền nghệ thuật đầy âm thanh và màu sắc ấy, sẽ có nhiều cuộc trưng bày, triển lãm không gian văn hóa ASEAN, di sản văn hóa biển Việt Nam và các cuộc hội thảo “Văn hóa phi vật thể Việt Nam hưởng ứng 10 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”. Còn có nhiều hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các quốc gia và vùng miền cả nước.
Không chỉ phô diễn và giao lưu văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật, tại lễ hội lần này, các nghệ nhân làng nghề từ miền xuôi đến miền ngược, sẽ trưng bày và biểu diễn chế tác sản phẩm “độc đáo” của mình thông qua hội chợ làng nghề truyền thống Quảng Nam, tổ chức tại Điện Bàn. Một liên hoan ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc sản truyền thống của miền Trung và Tây Nguyên và khai trương nhiều sản phẩm du lịch “đặc hiệu” Quảng Nam cũng sẽ được giới thiệu đến du khách gần xa.
- Thưa ông, không gian lễ hội mở rộng như thế, liệu có phải quá dàn trải không?
Chương trình đa dạng, diễn ra trên bình diện rộng nhưng sẽ không hề dàn trải, vì tất cả đều xuyên suốt trong một chủ đề và cũng không quá dồn dập. Ví như việc giới thiệu sản phẩm mới cho các công ty lữ hành Việt Nam và quốc tế sẽ chỉ diễn ra trong 4 ngày. Không gian tổ chức đủ để cho tất cả những người tham dự các famtrip, presstrip có thể trực tiếp tham gia chương trình giới thiệu sản phẩm mới, không bị dồn nén thời gian.
- Không ít quan ngại rằng, việc khai trương sản phẩm mới sẽ lặp lại thất bại như các năm cũ, chỉ là “hình thức” hoặc các show diễn rồi “khai tử” khi lễ hội tàn?
Các sản phẩm đã mở những năm trước bị “chết yểu” vì cách trở giao thông, thiếu sự quảng bá, đầu tư và không có mô hình cụ thể nào để phát triển và nhân rộng. Còn năm nay, việc giới thiệu sản phẩm mới như Phú Ninh, đường mòn Hồ Chí Minh hay du lịch cộng đồng tại Bờ Hồng (Đông Giang)… không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà gắn với doanh nghiệp. Các sản phẩm mới đều có sự đầu tư của doanh nghiệp, liên kết cùng người dân địa phương. Họ cam kết đầu tư toàn bộ, nhưng lợi ích sẽ được chia đều cho cộng đồng và không đặt lợi nhuận trong một vài năm đầu cho các khoản đầu tư ấy… Như vậy, không có lý do gì để không trở thành một sản phẩm du lịch mới đủ sức cạnh tranh và “sống” được. Nhà nước chỉ tăng cường ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp.
- Quảng Nam kỳ vọng gì ở festival này? Liệu có tạo được nền móng gì cho du lịch địa phương?
Festival này thu hút rất nhiều du khách quốc tế và nội địa. Số lượng quan khách, ngoại giao đoàn của 73 quốc gia, hàng trăm diễn viên đến từ các nước ASEAN, hay sự tham gia của các tỉnh, thành có di sản được UNESCO công nhận, những địa phương đang lập hồ sơ trình công nhận di sản và hàng trăm hãng lữ hành… sẽ là sự hội tụ di sản đa sắc. Họ đến để chứng kiến, tham gia, giao lưu văn hóa và hiểu hơn về Quảng Nam. Nếu như festival có đủ độ hấp dẫn và sức tiếp thị, tạo sản phẩm cho cả điểm đến Quảng Nam thì lượng khách sẽ gia tăng. Đây là cơ hội để Quảng Nam phát triển du lịch nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng đến mục tiêu đón khách mỗi năm tăng 20% (năm 2012 đã đón hơn 2,8 triệu lượt khách) và sau năm 2015 sẽ đón 4 - 6 triệu lượt khách mỗi năm.
Festival di sản sẽ được mở hai năm một lần, dần giảm hình thức sân khấu hóa, tăng cường hoạt động biểu diễn đường phố… Dù mở rộng hay khu biệt, festival sẽ vẫn là cơ hội lớn để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc hiệu “văn hóa và di sản”.
NAM KHA (thực hiện)