Năm 2017: "Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn" 

Lịch công tác
Văn bản mới
Thông tin thời tiết
Thống kê truy cập
Chi tiết tin tức
Hoa đời đẹp mãi
Người đăng: .Ngày đăng: 21/02/2013 01:44 .Lượt xem: 2029 lượt.
Họ là người lính già luôn lấy việc thiện làm lý tưởng sống của đời mình; một người dân tộc thiểu số tự bỏ tiền túi để làm cầu cho dân đi lại; hay một chàng thanh niên không chỉ biết làm giàu cho cá nhân mình mà luôn chia sẻ lợi ích với cộng đồng… Đó là những điển hình làm theo gương Bác xứng đáng được tôn vinh.

1. Nhiều người dân ở thôn Đông Thạnh Tây (xã Tam Hòa, Núi Thành) hay nhắc về cựu chiến binh Trần Ngọc Chuẩn với sự  kính trọng  xen lẫn tự hào. Về hưu năm 1989, định cư tại TP. Đà Nẵng, nhưng ông Chuẩn vẫn một lòng hướng về quê nhà. Hình ảnh những cuộc đời lam lũ, những mơ ước đổi đời cháy bỏng nhưng dở dang vì khó nghèo của bà con quê hương khiến ông quyết định trở về quê nhà Tam Hòa… Với mong muốn giàu lên để giúp đỡ được nhiều người, ông Chuẩn lao vào nuôi tôm, lăn lộn với đất đai như một nông dân thứ thiệt. Trời không phụ lòng người, nhiều vụ tôm trúng lớn đã giúp ông thực hiện ước mơ…

Trong căn nhà khang trang, vững chắc, chị Trần Thị Biên ở thôn Đông Thạnh Tây nhắc mãi ông Chuẩn với lòng biết ơn sâu sắc. Năm trước, căn nhà chị quá cũ nát, bất ngờ đổ sập trong mùa mưa. Bà con trong thôn phải đứng ra vận động kẻ ít người nhiều xây dựng lại nhà cho chị, riêng ông Chuẩn giúp đến 13 triệu đồng. “Nhà sập, tôi định dựng tạm lại cái lều cho có chỗ con cái học hành, nhưng bà con làng xóm động viên, cho mượn, bác Chuẩn cho thêm tiền nên mới có mà dựng nhà” - chị Biên nhớ lại.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Chuẩn.Ảnh: THÀNH TRÍ
Cựu chiến binh Trần Ngọc Chuẩn.Ảnh: THÀNH TRÍ

Không chỉ tự mình làm việc nghĩa, ông Chuẩn còn động viên họ tộc, bà con thôn xóm cùng tham gia. Như việc ông cùng bà con tộc họ đóng góp, hỗ trợ xây dựng 3 ngôi nhà tình thương cho các ông Ngô Văn Dương, Ngô Văn Thân, Ngô Văn Diệu trị giá 60 triệu đồng (năm 2009); vận động chính quyền địa phương và nhân dân đóng góp xây nhà đại đoàn kết cho gia đình anh Nguyễn Khường và chị Phạm Thị Hạnh; góp vốn giúp anh em trong chi hội cựu chiến binh làm ăn… Dịp tết nào ông Chuẩn cũng mua hàng chục tấn gạo, mì tôm và hơn chục triệu đồng tiền mặt hỗ trợ những gia đình khó khăn. Đặc biệt, khi xảy ra bão lũ, thiên tai, ông Chuẩn càng hết lòng hỗ trợ và kêu gọi ủng hộ những gia đình bị thiệt hại. Dù bận nhiều việc, ông Chuẩn và bà con thân thích vẫn dành thời gian, công sức đi quyên góp, để mỗi tháng 2 lần tổ chức bữa cơm từ thiện, cấp phát nước khoáng, sữa tươi và hỗ trợ tiền mặt tại các bệnh viện Lao, Tâm thần, Nhi Quảng Nam. Ước tính, từ năm 2008 đến nay, đã có hơn chục nghìn suất cơm từ thiện, hàng trăm thùng sữa, mì với trị giá hàng trăm triệu đồng đã đến với người bệnh nghèo ở các bệnh viện. Chưa hết, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn của thôn Đông Thạnh Tây có sự đóng góp lớn của ông Chuẩn với hơn 80 triệu đồng ông dành dụm từ lương hưu của mình.

2. Nhiều lần đứng trước dòng sông Lồ Ô hung hãn, chứng kiến nhiều cảnh trượt chân té ngã của bà con dân bản, nhất là các em học sinh trên đường đến trường, anh Coor Dênh (37 tuổi,  thôn Vinh, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang) không cầm lòng. Sau nhiều đêm trăn trở, anh bàn với vợ quyết định bắc cầu qua sông Lồ Ô. Ban đầu, vợ anh và những người thân trong gia đình không đồng tình, vì số tiền bỏ ra làm cầu khá lớn. Không nản lòng, anh dẫn chứng những tai nạn thương tâm mỗi khi mùa mưa lũ về để thuyết phục vợ và người thân để ủng hộ anh làm cầu.

Nhận số tiền đền bù từ dự án thủy điện Sông Bung 4, Coor Dênh bỏ ra gần 200 triệu đồng, mua vật liệu và thuê nhân công làm cầu. Dân thôn Vinh thấy Dênh như vậy, cũng hăng hái góp ngày công khuân vác vật liệu; phụ nữ thì lo hậu cần, mỗi người một tay, mong cây cầu chóng hoàn thành.

Cây cầu qua sông Lồ Ô do anh Coor Dênh (thôn Vinh, Tà Pơ, Nam Giang) khởi xướng và đóng góp 200 triệu đồng để xây dựng.Ảnh: TẤN SỸ
Cây cầu qua sông Lồ Ô do anh Coor Dênh (thôn Vinh, Tà Pơ, Nam Giang) khởi xướng và đóng góp 200 triệu đồng để xây dựng.Ảnh: TẤN SỸ

Sau ba tháng thi công liên tục, chiều ngày 10.1.2013, cây cầu bắc qua sông Lồ Ô dài gần 18m, rộng 1,2m bằng bê tông cốt thép đã hoàn thành trong niềm vui và hạnh phúc của đồng bào Cơ Tu thôn Vinh. “Mình nhiều tuổi rồi, lần đầu tiên được đi trên cây cầu mới này, vui lắm, thích cái bụng lắm, thằng Dênh nó tốt với bà con dân bản quá” - già làng Plong Nếp móm mém nói. Em A Rất Thị Thúy Nga học sinh lớp 9 (thôn Vinh) cũng rất vui: “Chúng em giờ đi học không lo trễ giờ, không lo bị trượt chân té ngã xuống nước nữa rồi. Cảm ơn gia đình chú Dênh nhiều lắm!”.

Hôm hoàn thành cây cầu mới, ông Pơ Loong Lênh - Bí thư Đảng ủy xã Tà Pơ vui mừng nói: “Việc làm của Coor Dênh thật đáng khâm phục, có cây cầu mới, tết này, người dân thôn Vinh sẽ vui lắm. Tấm gương hết mình vì bà con dân bản của anh Dênh sẽ được chúng tôi nhân rộng ra toàn xã”.

3. Trần Văn Khoa – từ một cậu bé ở làng chài Cửa Đại,  giờ đang là chủ một tour du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hội An.

Điều đáng quý ở Khoa là những tour “độc” do anh thiết kế, khiến du khách bốn phương vô cùng thích thú, lại luôn có sự hiện diện của những nông dân, ngư dân trong khu vực anh khai thác du lịch. Ông Nhiều (xã Cẩm Thanh), một nông dân chất phác lâu nay chỉ biết nuôi trâu, cày ruộng, lam lũ nhiều năm vẫn chỉ đủ ăn. Một ngày, Khoa đến đặt vấn đề… thuê trâu để làm du lịch. Nghe Khoa thuyết minh có lý, ông Nhiều đồng ý “góp” trâu. Hằng ngày, ông chỉ việc cho trâu ăn no, dạy trâu ngoan ngoãn để khách nắm đuôi cày ruộng, cỡi chụp hình. Thu nhập cao, ổn định, mà ông Nhiều lại khỏe hơn lúc trước khá nhiều.

Tour du lịch của Trần Văn Khoa - người được Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên điển hình làm theo lời Bác.Ảnh: MINH HẢI
Tour du lịch của Trần Văn Khoa - người được Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên điển hình làm theo lời Bác.Ảnh: MINH HẢI

Tìm cách chia sẻ lợi ích cho cộng đồng luôn là trăn trở của Trần Văn Khoa. Nếu theo trọn tour của Khoa, sẽ thấy anh trân trọng công sức của mọi người đến mức nào. Ngoài gần 30 nhân viên (vốn là ngư dân Cửa Đại biết chèo ghe, đánh cá…) trực tiếp đưa du khách đi tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, hay tham gia tour một ngày làm nông dân, ngư dân, Khoa luôn có một lực lượng “cộng tác viên” rất nhiệt tình sẵn sàng cùng anh “tác chiến”. Họ đóng vai ngư dân, giúp du khách quăng chài, kéo rớ, cày ruộng, gặt lúa. Khoa còn bỏ công sức đào tạo ngoại ngữ cơ bản để mọi người giao tiếp với du khách nước ngoài. Sau mỗi tour, Khoa đều tính toán, chia tỷ lệ lợi nhuận phù hợp với các “cộng tác viên” của mình. Cuối năm, gần Tết Nguyên đán, anh luôn dành khoản lợi nhuận nhất định từ hoạt động kinh doanh để  giúp đỡ những gia đình khó khăn, trẻ em, học sinh nghèo.

Hằng năm, Khoa luôn vận động du khách và nhân dân khu vực rừng dừa Bảy Mẫu tổ chức các chiến dịch vệ sinh, bảo vệ môi trường khu vực bãi biển Cửa Đại. Du khách nước ngoài khá ngạc nhiên bởi ý thức giữ gìn môi trường của nhân dân ở đây rất tốt, tự nguyện… và cảm phục Trần Văn Khoa biết nhìn xa trông rộng, không đánh đổi cái lợi trước mắt mà coi rẻ việc bảo vệ môi trường. Nhiều năm liền, Trần Văn Khoa được Trung ương Đoàn  tuyên dương thanh niên điển hình làm theo lời Bác.

H.Ly - Tấn Sỹ - M.Hải

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Điện Bàn: kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra trận đánh của những Dũng sĩ Điện Ngọc (26/4/1962 - 26/4/2017).
Nam Giang: tổ chức chương trình “thắp sáng vùng cao”
Ngày hội “Tôi yêu Điện Bàn” năm 2017
Tuổi trẻ Điện Bàn hành trình về với lễ hội truyền thống
Đoàn Khối Doanh nghiệp ra mắt CLB Sáng tạo trẻ
Đại Lộc: Nhiều hoạt động chào mừng 20 năm tái lập tỉnh
Tây Giang: Xây dựng Công trình thanh niên năm 2017
INFOGRAPHIC: Các hoạt động của Tỉnh đoàn Quảng Nam chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh
Điện Hòa (Điện Bàn) trao sinh kế hỗ trợ sản xuất cho thanh niên
Hội đồng Đội huyện Đại Lộc tổ chức Hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi” lần thứ III
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Cảng Tam Hiệp đón tàu đầu năm mới Quý Tỵ
Tết nồng ấm ở trại mồ côi
Thanh niên Doanh nghiệp: Tặng quà Tết cho người nghèo

Đăng nhập
Tài khoản