BÀI 1: XỬ LÝ ĐIỂM "NÓNG"
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tự kiểm điểm phê bình và phê bình, làm rõ những khuyết điểm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng vụ việc gây bức xúc trong nhân dân và đề ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Những năm qua, các vấn đề tồn tại, nổi cộm gây bức xúc trong dư luận nhân dân và cán bộ, đảng viên, chủ yếu tập trung vào những chuyện liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, sai phạm trong việc làm chế độ chính sách, biểu hiện mất đoàn kết nội bộ... Điều đáng nói, có một số điểm “nóng”, sai phạm ai cũng thấy nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm nên cứ tồn tại dai dẳng, hoặc có xử lý cũng không đến nơi đến chốn. Khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng ra đời, những sai phạm trên được chỉ rõ, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân được “nhận diện” và nhanh chóng khắc phục.
“Nhận diện” sai phạm
Liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, những năm qua “điểm nóng” rơi vào các địa bàn trọng điểm như Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Ở Điện Bàn, tại xã Điện Ngọc nổi lên tình trạng một số cán bộ đảng viên địa phương thiếu ý thức trách nhiệm, vi phạm đạo đức công vụ, lợi dụng chức trách được giao nhằm trục lợi. Trong đó, có trường hợp để cho gia đình, người thân tham gia chuyển nhượng, mua bán đất, xây dựng nhà trái pháp luật tại dự án làng Đại học Đà Nẵng (thuộc thôn Câu Hà), gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của tập thể. Qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Điện Ngọc đã tập trung làm rõ 2 trường hợp có liên quan đến đất đai và kê khai chế độ chính sách không trung thực mà cán bộ và nhân dân phản ánh nổi lên tại địa phương.
Hay như tại Tam Kỳ, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận cũng đã được làm sáng tỏ, chỉ đúng sai phạm và đích danh người chịu trách nhiệm. Có thể kể đến dự án Khu dân cư Đông Tân Thạnh, qua kiểm tra, phát hiện nhiều sai sót trong công tác quản lý, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quy trình, thủ tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; đặc biệt là việc không xác nhận nguồn gốc đất, không niêm yết công khai phương án bồi thường để lấy ý kiến nhân dân, không tổ chức thẩm định theo quy định.
“Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản gây bức xúc trong nhân dân. Đẩy mạnh việc phân cấp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý tài nguyên, khoáng sản; quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời quy định nơi nào để xảy ra tình trạng vi phạm nhiều lần thì xử lý, thay đổi cán bộ lãnh đạo, quản lý nơi đó. Chỉ đạo xử lý những sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, những vấn đề liên quan đến tài chính, nợ thuế, ô nhiễm môi trường; việc giải quyết chế độ chính sách không đúng quy định gây bất bình trong nhân dân”. (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ) |
Tại một số huyện miền núi, tình trạng khai thác lâm - khoáng sản trái phép diễn ra trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội... khiến dư luận bức xúc. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lần nào cử tri cũng nêu lên vấn đề này. Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, những thiếu sót trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát dẫn đến các “điểm nóng” nêu trên được chỉ ra. Đặc biệt, nguyên nhân dẫn đến sai phạm được nhìn nhận và “đặt” lên vai những tập thể, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu. Ví như ở Nam Giang, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cá nhân, tập thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang tập trung phân tích, làm rõ các hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của từng tập thể, cá nhân liên quan đến từng vấn đề, “điểm nóng” của địa phương. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy rút ra kinh nghiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Chuyển biến
Mới đây, có chuyến công tác tại Nam Giang, suốt dọc đường chúng tôi không còn bắt gặp tình trạng mô tô chở gỗ khai thác trái phép nghênh ngang chạy trên đường như trước. Dưới sông không còn tình trạng khai thác vàng trái phép... Đó là những kết quả thực tế do Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) mang lại khi được địa phương này triển khai đồng bộ. Là một trong những địa phương để xảy ra điểm “nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Nam Giang, ông Doãn Bing - Bí thư Đảng ủy xã Cà Dy thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về mình và cả tập thể lãnh đạo xã khi chưa chú trọng thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng lôi kéo người dân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ông Doãn Bing cho hay: “Thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, lãnh đạo địa phương nhìn nhận rõ khuyết điểm, yếu kém nên triển khai các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay”. Ngoài việc phối hợp tổ chức lực lượng kiên quyết đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, Đảng ủy xã còn phân công đảng ủy viên bám sát cơ sở, kết hợp cùng chi bộ thôn giám sát, siết chặt công tác quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã thời gian qua đã lắng xuống, môi trường dần được phục hồi. Tương tự, ở các địa bàn miền núi khác, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực vào cuộc chấn chỉnh, khắc phục, từng bước đưa công tác quản lý trên lĩnh vực này đi vào quy củ, được nhân dân ủng hộ. Đặc biệt, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên lâm - khoáng sản trên các địa bàn càng hiệu quả khi quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, không còn trách nhiệm chung chung như trước.
Kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở miền núi.Ảnh: H.GIANG
Còn tại Điện Bàn, qua kiểm tra làm rõ những nội dung sai phạm ở xã Điện Ngọc, đã xử lý cách chức Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc nói: “Sau khi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chính quyền xã siết chặt công tác quản lý đất đai, nhất là đất đai thuộc các dự án đã được cấp phép. Cán bộ chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn bám sát theo dõi tại các thôn được xem là điểm “nóng” để kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa trái phép như thời gian trước đây”. Nhờ đó, điểm “nóng” Điện Ngọc nhanh chóng được làm “nguội”.
Ngay cả điểm “nóng” nằm trong lòng nội bộ đảng ở một số địa phương, đơn vị với biểu hiện mất đoàn kết, thiếu thống nhất giữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với vai trò quản lý, điều hành của cơ quan cũng đã kịp thời “nhận diện” để giải quyết, như ở Hội LHPN tỉnh, một số tổ chức cơ sở đảng tại Duy Xuyên. Điều đáng mừng là sau khi kiểm điểm làm rõ, các yếu kém đã cơ bản sửa chữa, khắc phục. Một số tổ chức cơ sở đảng ở Duy Xuyên như Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện, Đảng bộ Chi cục Thuế, Đảng bộ xã Duy Thu có bước chuyển biến tích cực, vươn lên và đạt đảng bộ trong sạch vững mạnh...
___________________
Bài 2: Chấn chỉnh kỷ cương
Các sai phạm sau khi làm rõ đã được xử lý nghiêm minh, góp phần chấn chỉnh kỷ cương trong Đảng, đem lại niềm tin cho nhân dân.