2 giờ sáng nay 16.11, ông Ngô Lợi (thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) hốt hoảng vì thấy xung quanh nhà mình đã mênh mông nước lũ. Ông Lợi gọi các thành viên trong gia đình dậy thu dọn những vật dụng sinh hoạt, xúc lúa đổ vào bao tải khiêng lên gác chất rồi chạy quanh xóm mượn giỏ về bắt bầy heo choai ra khỏi dãy chuồng đã bị ngập. Ông Lợi nói: “Lũ dâng nhanh quá, hồi 21 giờ 45 phút đêm 15.11 nước chưa lút gốc rạ trên thửa ruộng trước hiên, vậy mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ nó đã tràn vào nhà. Nếu tui không phát hiện sớm thì làm răng trở tay cho kịp”.Rạng sáng 16.11, lũ trên sông Bà Rén vượt mức báo động 3, hàng loạt nhà dân ở các khu vực trũng thấp trên địa bàn xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 thuộc huyện Quế Sơn đã bị ngập từ 0,3 đến 0,8 mét nước. Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm đều bị cô lập, người dân phải đi lại bằng ghe nhỏ.Trong khi đó, tại huyện Nông Sơn, đêm 15.11 nước lũ đã tràn qua nhiều điểm trên tuyến ĐT611 từ xã Quế Lộc đi xã Quế Trung với độ sâu 1-2 mét khiến giao thông tê liệt. Đặc biệt, con đường độc đạo từ xã Quế Trung lên xã Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Ninh bị ngập sâu khoảng 1,5 mét nước. Không chỉ vậy, rất nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi về các xã khác cũng bị lũ chia cắt hoàn toàn. Giao thông chia cắt, người dân phải đi lại bằng những chiếc ghe nhỏ. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói: “Từ đêm 15 đến sáng nay 16.11 nước lũ ào về với lưu lượng quá lớn khiến ít nhất 1.200 nhà dân trên địa bàn 7 xã của Nông Sơn bị ngập lụt từ 0,7 đến 1 mét nước. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, ngay trong đêm 15.11 chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền cơ sở khẩn trương di dời 1.500 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu sống trong vùng bị ngập lụt sâu, nước chảy xiết, ven sông đến nơi cao ráo trú ẩn an toàn”. Theo ông Hòa, cách đây hơn 1 tháng UBND huyện đã trích gần 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho chính quyền 7 xã mua dự trữ dầu hỏa, đèn cầy, mỳ tôm, nước uống đóng chai và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác để kịp thời tiếp tế cho nhân dân khi bị lũ cô lập nhiều ngày. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên vận động người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo sử dụng tại chỗ trong vòng 7-10 ngày. VĂN SỰ (Theo báo Quảng Nam)
|