* Ngành điện thiệt hại hơn 5,7 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của Công ty Điện lực Quảng Nam, tính đến 15 giờ chiều ngày 15.10, thiệt hại ban đầu do bão Nari gây ra đối với hệ thống điện ước tính khoảng trên 5,7 tỷ đồng (chưa tính sản lượng điện).
Tổng số TBA phụ tải khôi phục cung cấp điện trở lại vào thời điểm trên là 67 trạm, với công suất toàn hệ thống khôi phục được khoảng 15MW. Hiện nay, Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung kiểm tra các đường dây và TBA phụ tải cấp điện cho các khu vực trung tâm huyện, các phụ tải ưu tiên như Bệnh viện, Nhà máy nước… Dự kiến, trong ngày hôm nay sẽ khôi phục cấp điện các trung tâm huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, và TP.Hội An.
Cán bộ nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam khắc phục sự cố lưới điện ngay sau bão số 11. Ảnh: P.GIANG
Cụ thể, đã có 58 trụ điện thuộc dường dây 22kV bị ngã đổ, nghiêng 3 TBA, đứt dây trung thế, cong xà, vỡ sứ nhiều vị trí; ngã, gãy 69 trụ điện hạ thế. Riêng công suất và sản lượng mất đến 15 giờ ngày 15.10.2013 là 1,8 triệu kWh. (PHƯƠNG GIANG)
* Tiên Phước: ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng
Sau khi cơn bão số 11 đi qua vào đêm 14 rạng sáng 15.10, hậu quả cơn bão gây ra tại huyện Tiên Phước khá nặng nề. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Tiên Phước, bão số 11 đã khiến 3 người dân bị thương, 30 ngôi nhà bị sập, hơn 1.500 ngôi nhà bị tốc mái, ngầm sông Tiên bị hư hỏng hoàn toàn, trạm y tế xã Tiên Lãnh bị sập gây hư hại 100%, toàn bộ thuốc men bị ướt, hỏng, hiện không có chỗ để cấp cứu ban đầu cho người dân của xã Tiên Lãnh; trạm y tế các xã Tiên Sơn, Tiên Thọ, Tiên Hà bị hư hỏng tường rào, bay mái tôn.
Toàn huyện có 10 ngôi trường bị tốc mái 50%, điểm giết mô gia súc tập trung của huyện bị tốc mái 50%; 218 đập bổi, đập thời vụ và hơn 22 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, đường tránh Nam Quảng Nam nhiều đoạn bị sạt lở. Đặc biệt, những khu vườn có giá trị kinh tế cao của người dân bị ngã đổ, gây thiệt hại nặng nề vì hầu hết là những loại cây có giá trị. Toàn huyện có hơn 2.200 ha keo, hơn 2.000 cây cau, 2.500 cây lòn bon, gần 7.000 cây dó bầu, 1.200 choái tiêu, hơn 60.000 cây chuối bị gãy, đổ, trốc gốc. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 120 tỷ đồng.
Trong buổi sáng ngày 15.10, hàng loạt cây cối ngã đổ ngang đường đã được người dân và lực lượng thanh niên, dân quân các xã ra quân dọn dẹp để thông thương các tuyến đường liên xã. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão của huyện Tiên Phước đã đi kiểm tra thiệt hại ban đầu tại các địa phương, và trực báo các ngành, nhằm giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra. (D.LỆ)
* Trưa 15.10, phóng viên Báo Quảng Nam có mặt tại thôn Quảng Gia, xã Điện Dương, dù tâm bão đã đi qua nhưng gió vẫn rít giật mạnh, tôn, ngói của nhà dân bị gió giật bung, vương vãi khắp hai bên đường. Nhiều người dân vẫn trú ẩn tại các trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, chỉ có một số ít trở về nhà để thu dọn đống đổ nát.
Dù đã được thông báo từ 2 giờ chiều hôm trước, ông A Tân (42 tuổi), trú tại thôn Quảng Gia vẫn không kịp di dời đồ đạc để trong nhà. “Gió lớn, nhìn ra thấy toàn bộ mái tôn bị dỡ bung mà không dám ra, khoảng 5 giờ sáng thì cả căn nhà bị giật sập”, ông Tân kể. Xe đạp, xe máy, nhiều vật dụng trong nhà a Tân bị vùi lấp dưới đống gạch vụn. Bên kia đường, những tấm tôn lợp nằm ngổn ngang do gió cuốn. Chỉ riêng thôn Quảng Gia, đã có hàng chục nhà dân bị tốc mái, nhiều nhà sập hoàn toàn.
Tại Hội An, đường phố như vừa trải qua một trận bom. Cây cối ngã đổ, cành lá phủ kín mặt đường. Khu vực phố cổ dọc đường Bạch Đằng nước vẫn ngập sâu. Những chiếc đèn lồng tả tơi nằm vương vất khắp nơi. Cả thành phố bị mất điện. Trong khuôn viên các trụ sở, trường học, cành lá phủ kín mặt sân. Cột đèn, cột tên đường, bảng hiệu đổ gãy khắp nơi. Từng đợt sóng lớn đánh mạnh vào Cửa Đại, có nơi cột sóng cao đến vài mét. 150 chiến sĩ của Tiểu đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5 tất tả giúp dân thu dọn nhà cửa, khiêng cát gia cố đê biển. Chiều 15.10, mưa đã ngớt nhưng gió vẫn thổi rất mạnh, người dân hầu như không ra khỏi nhà sau bão. Phía sông Hoài, nước lũ đang có xu hướng lên chậm.
* Đã có 20 nhà dân tại thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông Giang bị tốc mái hoàn toàn, toàn bộ người dân hai thôn Phú Son và Dốc Kiền được sơ tán khẩn cấp tránh trú bão từ rạng sáng 15.10. Đến thời điểm hiện tại, xã Cà Dăng (Đông Giang) vẫn bị cô lập. Mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt. Bước đầu chưa thống kê được con số thiệt hại.những thiệt hại đầu tiên mà phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận được cho đến giờ phút này. (THÀNH CÔNG)
* Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCGNTT&TKCN) huyện Bắc Trà My, toàn huyện đã có 14 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây cối, cây ăn trái bị gãy đỗ. Trong đó, có 8 căn nhà tại các thôn Định Yên, Thanh Trước xã Trà Đông và thôn 1, thôn 4 xã Trà Nú bị tốc mái hoàn toàn. Nặng nhất là hộ ông Bùi Văn Xướng, tại thôn Định Yên, căn nhà cấp bốn lợp tôn bị bay sạch vào lúc ba giờ sáng, gia đình lâm vào cảnh màn trời chiều đất, toàn bộ gần 1 tấn lúa vừa mới thu hoạch phơi khô và tất cả các đồ dùng trong gia gia đình bị dầm nước mưa. Lực lượng xung kích xã Trà Đông đã ra quân giúp gia đình ông Xướng vận chuyển, di dời tài sản đến nơi khô ráo. Ngay trong sáng 15.10, Ban Chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My đã đến tận từng nhà dân bị tốc mái, kiểm tra thực tế, thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Trà My, trước mắt huyện hỗ trợ mỗi hộ bị tốc mái hoàn toàn 3 triệu đồng để khắc phục tạm; đối với những hộ bị tốc mái một phần, huyện giao cho địa phương rà soát và sẽ có biện pháp hỗ trợ hợp lý theo mức độ thiệt hại.
Hàng trăm ha chuối bị gãy đỗ
Lượng mưa trong đêm 14 và ngày 15.10 có tăng, song không gây ngập lụt, chia cắt kéo dài như đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10. Tại thủy điện Sông Tranh 2, lúc đầu giờ chiều nay 15.10, lượng nước đổ về hồ chứa trên 1.500m3/s, mực nước hồ chứa ở mấp mé cửa xả tràn (cao trình 161m). Tính đến hết ngày 15.10, điện lưới và các mạng di động Vina, Mobie phone tại Bắc Trà My vẫn chưa hoạt động trở lại.(VĂN BÌNH)
* 9 giờ sáng 14.10, tuyến đường Nam Quảng Nam từ xã Tam Phú lên nội thị Tam Kỳ hầu như bị tắc trách do cây cối đổ ngã ngổn ngang ra lòng đường. Tại các thôn Tân Phú, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Quý (xã Tam Phú), hàng trăm cây trụ điện đổ ngã, kéo theo đường dây điện bị cắt đứt vướng trên các thân cây và các đường giao thông liên xã, liên thôn. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, chính quyền xã Tam Phú đã huy động lực lượng công an, dân phòng phối hợp với hàng chục thanh niên địa phương dùng cưa tay dọn dẹp cây đổ ngã ra đường.
* Sáng nay 15.10, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Bùi Quốc Đinh và Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Nguyễn Văn Lúa đã xuống Đồn Biên phòng Tam Thanh để động viên, thăm hỏi người dân đang sơ tán tới tránh bão tại Đồn. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh - Đại úy Đinh Ngọc Anh cho biết từ chiều qua đến sáng nay, công tác chăm lo sức khỏe, ăn uống cho người dân được đảm bảo; đến 9 giờ sáng nay, người dân đã về lại nhà để dọn dẹp nhà cửa. Địa phương đã làm tốt công tác sơ tán nên không để xảy ra sự cố nào. Theo thống kê của Đồn Biên phòng Tam Thanh, đến 10 giờ sáng nay, 3 địa phương thuộc Đồn quản lý có 133 căn nhà bị tốc mái: xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là 103 nhà, xã Tam Hòa (Núi Thành) là 13 nhà, Tam Tiến (Núi Thành) là 17 nhà, trong đó có 48 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn; có 20 chiếc ghe máy bị đánh chìm.
(Theo báo Quảng Nam online)