Sáng qua, khi các hàng rào an ninh vẫn còn khép chặt, các đoàn đại biểu đã đứng kín sân chờ đến giờ lễ. Đeo trên tay, dán lên ngực những mảnh băng tang, câu chuyện được nghe nhắc nhiều nhất trong sân nhà tang lễ vẫn là câu chuyện về dòng người quanh nhà 30 Hoàng Diệu (nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và dòng người đang chờ đợi ngoài kia.
Nhìn dòng người đọc lòng người
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Quang Bình nói ông may mắn vì có nhà gần Hoàng Diệu, ngày nào ông cũng ra ngắm dòng người ấy, và xuýt xoa: “Hiện tượng thật là đặc biệt, xưa đến giờ chưa khi nào được chứng kiến. Cứ nhìn vào đó là đọc được lòng người dân mà không cần phải khảo sát gì. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều phải soi mình vào đó”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương xúc động nhắc những lần Đại tướng thân hành đi bộ sang Bảo tàng Quân đội, xem triển lãm, nhắc nhở chuyện lịch sử và cả chuyện văn hóa. Rồi câu chuyện của ông cũng lại quay về điểm ấn tượng nhất: dòng người ấy là một hiện tượng xã hội vừa đặc biệt, lại vừa tự nhiên. Đặc biệt vì từ xưa đến giờ hiếm thấy.
Tự nhiên vì lòng người luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, lòng dân luôn hướng về những người biết vì dân. Ông trầm giọng: “Không gì giấu được dân, và nhân dân luôn công bằng. Lịch sử cũng luôn công bằng. Nước mắt của dân chính là gương soi”.
Giáo sư Phan Huy Lê đứng bên góp chuyện: “Dòng người viếng Đại tướng rất lặng lẽ nhưng nói lên được những đòi hỏi của họ ở người lãnh đạo. Tôi nghĩ các cán bộ của chúng ta cần phải nhìn vào đó mà suy nghĩ. Suy nghĩ thật nhiều và biến thành hành động”.
Nước mắt gương soi
Trong đám đông, đã bao nhiêu câu chuyện về Đại tướng được chia sẻ. Hai người quen cũ của Đại tướng: nhà báo Mỹ Catherine Karnow và sử gia người Ý Giovann Batista Polo cũng ngược xuôi trong đám đông, mang những tấm ảnh đã được chụp cùng Đại tướng ra kể chuyện. Mỗi câu chuyện lại như một ngụm nước mát giữa nắng hanh.
Thế nhưng hôm nay đã là ngày cuối cùng Đại tướng còn ở Hà Nội, việc đi viếng tang được đặt lên hàng đầu, với người dân và cả ban tổ chức. Bà Nguyễn Thị Lê (ở phố Hàng Trống) xếp hàng từ 3g sáng, đến 12g trưa đã theo các đoàn đi viếng được hai vòng rồi nhưng vẫn nấn ná trong sân: “Tôi ở lại để xem mọi người, ở lại để ngắm, để nhớ”. Cụ Trần Thị Nhị (86 tuổi, ở Kim Liên) thì nhất quyết xếp hàng dù cho tay chân lẩy bẩy, vì “ngày cuối rồi mà, bác Giáp sẽ cho tôi sức khỏe”.
“Mai Đại tướng đi rồi”, chỉ một câu như vậy và từ các ngả đường Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tông... người người nối nhau kéo đến. Suốt ngày rồi lại suốt đêm, mặc kệ giờ ăn sáng, giờ cơm trưa, cơm tối, giờ đi học, đi làm lần lượt trôi qua.
Dòng người cứ như suối, vơi rồi lại đầy. Không có đồng phục đen lịch lãm, không ngay hàng thẳng lối nghiêm trang. Theo nhau đi lên bậc tam cấp, giữa hai hàng tiêu binh bồng súng trang trọng, ngước nhìn lên linh cữu, những tiếng nức nở lan từ đầu tới cuối hàng, không dứt. Nước mắt gương soi là đây.
Dòng người như suối từ Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên... đổ về. Vào viếng Đại tướng rồi, mọi người lại hẹn gặp nhau ngày mai trên các tuyến phố trên lộ trình xe tang đi qua để “tiễn ông lần cuối” nữa. Đêm này là một đêm không ngủ.
Nối dài vạn cuộc đời
5g sáng 12-10, còn hơn hai giờ nữa lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới bắt đầu, nhưng trước cổng hội trường Thống Nhất (TP.HCM), một bó hoa cúc trắng đã được đặt trước cổng, dưới hàng chữ về lễ tang Đại tướng. Các bảo vệ cho lễ viếng nói họ đã thấy bó hoa cúc trắng ấy ở đây từ lúc 0g.
Biết bó hoa ấy là của một người dân muốn viếng Đại tướng nhưng chưa đến giờ mở cổng, bảo vệ đã để yên bó cúc trắng cho đến sáng. Và cuối cùng, khi cổng mở, chủ nhân của bó hoa viếng Đại tướng ấy đã xuất hiện. Đó là cụ ông Đỗ Công Dự (72 tuổi, ở Q.Gò Vấp,
TP.HCM) - một người công tác trong ngành địa chất và từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần Đại tướng huấn thị về công tác lập bản đồ ở Pleiku hơn 30 năm trước.
Cụ Dự kể mình từng đến dự lễ tang Bác Hồ vào mùa thu năm 1969, và lần này ở đám tang Đại tướng nỗi mất mát năm ấy lại trào dâng. Nghe tin lễ viếng sẽ được tổ chức vào ngày 12-10, cụ Dự đã thức đến nửa đêm để ra chợ Bến Thành mua hoa và muốn sẽ là người đầu tiên vào viếng Đại tướng. Nhưng đúng 0g, đến nơi thì thấy cổng hội trường Thống Nhất còn đóng khép. Vậy là cụ Dự lại về nhà, thao thức đến sáng, để lại có mặt thật sớm trong dòng người đầu tiên vào tiễn biệt Đại tướng.
7g30 khi lễ viếng bắt đầu, đã có hàng ngàn đồng bào nối nhau chờ viếng Đại tướng. Dòng người viếng Đại tướng khi mặt trời lên tỏ càng lúc càng đông, khép một vòng tròn lớn trước hội trường Thống Nhất, kéo dài ra phía trước đường Lê Duẩn. Những chiếc xe đưa đồng bào Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Thuận... đến trước. Rồi sau một chút là những đồng bào ở xa hơn Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk... cũng góp mặt.
Đại tướng chỉ sống một cuộc đời, nhưng cuộc đời ấy cả khi đã dừng lại, vẫn cứ nối dài câu chuyện của mỗi người trong dòng người đang ở lại, đã đến đây tiễn biệt Đại tướng.
Tướng Giáp trong lòng người
5g sáng 12-10, trong cơn mưa tầm tã từ TP Đồng Hới, chúng tôi về quê nhà Đại tướng, làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Trong ngôi nhà lưu niệm ở làng quê của Đại tướng, gặp những người dân về dâng nén tâm nhang, mới hay mỗi người dân đều có một tướng Giáp rất riêng trong lòng mình.
Nếu như địa điểm trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình ở Đồng Hới trong buổi sáng chật kín khách đoàn đến viếng từ các cơ quan, ban ngành thì hầu hết người dân lại chọn ngôi nhà nhỏ ở làng An Xá để đến viếng hương hồn Đại tướng.
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ (92 tuổi) nâng niu bức ảnh Đại tướng từ TP Huế ra Quảng Bình - Ảnh: T.Long
Trong số những người đến viếng sớm, chúng tôi gặp một bà cụ đến từ Huế tên Công Tôn Nữ Trí Huệ, 92 tuổi, đã quá yếu nhưng còn rất minh mẫn. Từ hôm qua, bà đã nhờ người nhà đưa bà ra Quảng Bình ở lại để sáng nay từ Đồng Hới vào làng An Xá thật sớm dự lễ viếng. Cụ Trí Huệ vốn là chắt nội của vua Minh Mạng.
Trong hành trang cụ Huệ mang về viếng Đại tướng có những tấm hình chụp chung cùng Đại tướng từ hơn mười năm trước. Năm 2001, biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thượng thọ 90 tuổi, cụ Huệ đã tự mình thêu một bộ gối tựa theo kiểu Huế ngày xưa rồi ra Hà Nội nhờ người đưa bà mang đến trao tặng tận tay tướng Giáp và phu nhân.
Bà cụ tuổi 92 ấy, nay vẫn giữ tấm hình chụp cùng với hai vợ chồng Đại tướng và món quà là mấy chiếc gối thêu kiểu cổ của hoàng cung. Món quà của cụ Huệ rất được Đại tướng trân trọng. Mấy hôm trước, khi nhận tin Đại tướng từ trần, cụ nằng nặc đòi các con đưa mình ra viếng, nhưng ai cũng lo cụ đã 92 tuổi, quá già yếu. Vậy mà các con cháu bảo cụ còn muốn ở lại, đưa tiễn Đại tướng ra tận vũng Chùa.
Vị tướng nặng “tình phụ tử” với lính...
Con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà của tướng Giáp đã kín đặc những hàng người đến viếng chợt giãn ra nhường lối cho một người thương binh mặc bộ quân phục đi trên đôi nạng, trên vai nặng trĩu một chiếc balô lính. Là thương binh hạng 2/4 với bàn chân trái bị cụt và chân phải bị gãy ở chiến trường năm 1972, ông là Nguyễn Phi Thường, 62 tuổi, cựu binh trung đoàn 6, đoàn Phú Xuân anh hùng của Quân khu Trị Thiên.
Hôm biết tin Đại tướng mất, từ Hải Phòng, ông Thường đón xe đò về Hà Nội cùng các cựu binh đồng đội chờ được viếng Đại tướng. Viếng Đại tướng xong, chiều 11-10 ông mua vé tàu vào Đồng Hới. 2g sáng tàu đến ga, Đồng Hới mưa tầm tã. Ôm chiếc balô trú dưới mái hiên, ông ngồi đợi trời sáng để đón xe ôm vào làng An Xá.
Ông nhớ lại lần gia đình Đại tướng về nghỉ ở Đồ Sơn, ông cùng với đoàn thương binh 151 Hải Phòng đến thăm và chúc sức khỏe Đại tướng và phu nhân. Sự giản dị, thân mật của Đại tướng khiến ông Thường “khắc cốt ghi tâm”, tấm hình chụp cùng Đại tướng được ông sung sướng chép thêm một câu trong
Hịch tướng sĩ phía sau bức ảnh: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Rồi ông nói: “Đại tướng xem lính như con, nên ông mất cũng như cha mình mất. Tôi sẽ ở lại để đưa tiễn cụ ra tới vũng Chùa, rồi mang theo một nắm đất ở nơi Đại tướng yên nghỉ về Hải Phòng, đặt vào bát nhang trên bàn thờ Đại tướng”.
(Theo báo Tuổi Trẻ)