Những cựu chiến binh tưởng đã dạn dày vì chiến trận vậy mà không ngăn nổi dòng nước mắt khi đến tiễn biệt người anh cả của quân đội. Nhiều người trẻ đã mang những bông cúc vàng, cúc trắng đến ngôi nhà Đại tướng và gia đình từng sinh sống.
Những đôi mắt đỏ hoe
Ai đã từng hoài nghi về những thế hệ sinh ra sau hòa bình quên lịch sử, quên truyền thống của cha ông chắc sẽ ấm lòng khi nhìn thấy những người trẻ đứng lặng người chờ viếng. Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 11 THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) kể: “Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, các bạn trong lớp đã nói chuyện về Đại tướng rất nhiều, thậm chí cả trong giờ cô giáo giảng bài. Với em, cuộc đời bác Giáp đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa và lịch sử VN. Cả những câu chuyện về tình yêu thời trẻ của bác cũng rất thu hút. Em còn được nghe ông ngoại kể chuyện về bác Giáp. Ông ngoại em là lái xe ở tiểu đội xe không kính trên đường Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật. Ông cũng rất may mắn được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
“Những đôi mắt đỏ hoe, những nỗi niềm cố ngăn lại và cả những tiếng khóc của người dân để thấy cái tâm của vị đại tướng đã thấm vào lòng dân như thế nào” - một cựu chiến binh phường Điện Biên rưng rưng chia sẻ. Thanh niên trong phường tình nguyện đứng ra hướng dẫn xếp hàng, giúp đỡ người già, mua nước phát miễn phí cho bà con. Cũng lâu lắm rồi, người ta mới thấy hình ảnh xếp hàng nghiêm túc như vậy, cứ lặng lẽ nhích lên và rất ít chen lấn. Cũng đã lâu, hai tiếng “đồng bào” được thốt lên nhiều như vậy, thân thương và xúc động.
Kìm nén niềm tiếc thương để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ thuộc lữ đoàn 144 (Bộ tổng tham mưu) giữ một tình cảm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã tham gia bảo vệ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu từ năm 1996, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của đại úy Đỗ Công Hoan là một con người sống “giản dị, không hề phân biệt”. “Tôi vẫn nhớ mỗi dịp tết đến thăm Đại tướng, bác đều dặn dò công việc: các cháu làm công việc bảo vệ thì phải tinh thông, biết phán đoán, biết xử lý tình huống khôn khéo... Đó là những điều tôi luôn ghi nhớ và cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Là một đại tướng nhưng bác sống rất giản dị, không hề phân biệt gì cả. Ai đến bác cũng trò chuyện vui vẻ, hỏi han rất thân tình. Kể cả những năm tuổi cao bác vẫn cố gắng gặp gỡ, nói chuyện khi có đoàn khách đến thăm”.
Cảm giác mất mát đặc biệt
Trong hàng người kéo dài hơn 1,5km chờ viếng, có những cựu chiến binh, những văn nghệ sĩ, những người may mắn từng được gặp Đại tướng, nhưng nhiều hơn thế là những người chưa từng có cơ hội gặp được Đại tướng. Bạn Nguyễn Minh (sinh viên năm cuối ngành kế toán, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) xếp hàng từ rất sớm mà không lý giải nổi cảm giác đặc biệt cứ thôi thúc mình phải vào viếng Đại tướng. “Mình chưa từng có cảm giác mất mát nào lớn hơn thế. Cứ có cảm tưởng nếu không đến đây, mình chưa làm được điều cần làm. Đúng là không hiểu tại sao lại có cảm giác đặc biệt ấy” - Minh bùi ngùi.
Vội vã xuống taxi vào giữa trưa 6-10, ông Đào Sơn - đang sống tại TP.HCM, nguyên phó trưởng đoàn văn công pháo binh Quân giải phóng - tất tả chỉnh lại bộ quân phục chờ đến lượt vào viếng. “Năm 2009, khi cùng đoàn cựu chiến binh TP.HCM ra Hà Nội, chúng tôi đã có lịch được gặp Đại tướng. Nhưng sau đó lại được thông báo sức khỏe bác yếu nên đoàn không gặp được. Vẫn vẹn nguyên cảm xúc mong chờ được gặp Đại tướng, sau chuyến đi ấy, tôi soạn bài hát Noi gương anh cả toàn quân. NSND Trần Hiếu hát, thu âm và tôi được nghe kể Đại tướng rất thích bài hát này” - ông Sơn bồi hồi. Rồi từ tốn lấy ra cuốn băng đã thu âm bài hát từ chiếc cặp cũ, người cựu chiến binh 70 tuổi ngân nga giai điệu: “Võ Nguyên Giáp đây anh cả toàn quân ta (...) Lấp lánh ý chí thép mà lòng sáng trong xanh cây đời/ Lung linh thanh gươm quý gác giữa trời cờ hồng bay...”.
Ông Đinh Bình - người thợ sơn mài đã vinh dự nhiều lần gặp Đại tướng từ thời chiến cho đến thời bình - nâng niu cuốn sách dán những bức ảnh quý ông đã mang theo suốt cuộc đời, trong đó có bức ảnh chụp chung với Đại tướng. “Anh Văn có trí nhớ tuyệt vời, yêu và thương bộ đội như con, như em. Năm 1968, anh Văn tham gia huấn thị chúng tôi trước khi vào chiến trường miền Nam tại Lý Nam Đế, Hà Nội. Bốn năm sau, năm 1972, khi chúng tôi tập kết tại Quảng Bình, bắt tay các trưởng đơn vị, anh Văn đã dừng lại trước tôi và nói: Tôi đã gặp đồng chí... Vâng, chỉ duy nhất một lần huấn thị với cả trăm, cả ngàn quân, Đại tướng vẫn nhớ từng người” - ông Bình nhớ lại.
Không dứt những tiếc thương
Ba bàn ghi cảm tưởng với ba cuốn sổ bìa đỏ lúc nào cũng nêm chật người chờ đến lượt. Có người vừa viết vừa khóc nức nở, có người lặng đi trong dòng cảm xúc, mắt nhòe lệ lúc nào không hay. Có cựu chiến binh cẩn trọng ngồi hồi lâu bên bàn viết cảm tưởng, chép lại bức thư chia buồn đã chuẩn bị sẵn dài ba trang giấy, có người chép ra những bài thơ nóng hổi. Lạ lùng, đằng sau hàng dài người kiên nhẫn chờ đến lượt, không một chút than phiền dù phải chờ thêm rất lâu. Ai cũng hiểu, đến lượt ngồi vào bàn ghi cảm tưởng, rất có thể mình không kìm nén được cảm xúc. Đến 15g30, thêm hai chiếc bàn cùng hai cuốn sổ ghi cảm tưởng được mang ra để rút ngắn thời gian chờ đợi cho hàng người rất dài chờ ghi những dòng cảm xúc với vị đại tướng của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Xuân (chợ Ngọc Hà, Hà Nội) nức nở: “Con đến viếng theo ý nguyện của cha con - một người lính Điện Biên Phủ. Trước khi mất, cha dặn nếu Đại tướng về với tổ tiên, chúng con phải có mặt để thắp hương thay cho cha mình. Mong Đại tướng phù hộ cho dân tộc mình vững bước...”. Bà Nguyễn Thị Lộc (quê Nam Định) sụt sịt: “Bác trưởng họ nhà tôi là cụ Đinh Huy Phan (bí danh Hùng Việt), một trong 34 chiến sĩ VN tuyên truyền giải phóng quân. Mấy năm trước, khi đưa thi hài bác tôi về quê an táng, chính vợ chồng Đại tướng đã làm tấm bia mang về đặt lên mộ bác. Đại tướng luôn sống ân tình, giản dị như thế”.
Sau chừng một giờ gia đình Đại tướng mở cửa đón người dân vào thăm viếng, hàng người đã xếp hàng dài dằng dặc suốt ba tuyến phố, từ 30 Hoàng Diệu, vắt sang đường Điện Biên Phủ, qua Bộ Ngoại giao, chớm sang phía trước quảng trường Ba Đình. Phía bên trong, gia đình Đại tướng tất bật bàn kế hoạch đón tiếp người dân cho chu đáo. “Lịch vào viếng của ngày đầu tiên từ 14g30 đến 18g, nhưng số người đến viếng đã lên cả chục nghìn người, có thể phải lùi thời gian thêm một chút” - một cán bộ của Bộ tổng tham mưu cho hay. Đến 17g45, hàng nghìn người vẫn xếp dài đến tận đường Điện Biên Phủ. Nhiều người bày tỏ mong mỏi thiết tha được vào dâng hương.
18g, cánh cửa 30 Hoàng Diệu lại mở ra đón người dân vào viếng, dòng người vẫn dài dằng dặc...
Hàng trăm người dân từ khắp nơi về xếp hàng dài dằng dặc để được vào chia buồn cùng
gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số 30 Hoàng Diệu - Ảnh: Việt Dũng
Dòng người xếp hàng suốt 3 tuyến phố, từ 30 Hoàng Diệu vắt sang đường Điện Biên Phủ,
qua Bộ Ngoai giao, chớm sang phía trước quảng trường Ba Đình - Ảnh: Việt Dũng
Một người không thể kiềm nén cảm xúc, ôm chầm lấy chiến sĩ làm nhiệm vụ sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Việt Dũng
Cựu chiến binh, thương binh Ngô Xuân Chiến xúc động ngồi trước cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp
chờ đến giờ vào viếng - Ảnh: Việt Dũng
Trên vỉa hè, hàng dài người xếp hàng kiên nhẫn chờ đến lượt, không một chút than phiền
dù phải chờ thêm rất lâu - Ảnh: Việt Dũng
Hoàng Văn Tường (dân tộc Tày, 28 tuổi, ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang)
đi xe khách về Hà Nội từ sáng sớm để viếng Đại tướng - Ảnh: Việt Dũng
Dòng người lặng lẽ vào ra, trật tự, không dứt... - Ảnh: Việt Dũng
Bà Nguyễn Thị Cúc (74 tuổi, quê ở Thanh Hóa) khóc nấc sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội chiều 6-10 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Hàng ngàn người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh