Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo. Như hầu hết thanh niên trí thức yêu nước thời đó, ông hăng hái hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên, bị Pháp bắt giam và trưởng thành qua nhiều hoạt động bãi khóa, diễn thuyết, viết báo... tuyên truyền đấu tranh cho độc lập dân tộc. Năm 1940, chàng trai Võ Nguyên Giáp đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc và bắt đầu một tình đồng chí, tình thầy trò cảm động và sâu bền.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ, tiền thân của Quân đội nhân dân VN.
Cách mạng thành công, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ tịch cử giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời, sau đó là bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ kháng chiến.
Năm 1948, sau các chiến thắng của các chiến dịch đầu tiên trong kháng chiến, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ tịch phong hàm đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân VN và là vị đại tướng duy nhất cho đến hết kháng chiến chống Pháp. Từ một sinh viên luật, một nhà giáo dạy sử, một nhà báo, ông trở thành tổng tư lệnh tối cao của quân đội một quốc gia mà chưa hề trải qua một cấp hàm nào, vào năm mới 37 tuổi.
"Là bậc khai quốc công thần nhưng ông hết sức tránh thái độ bề trên, trưởng thượng khi lên tiếng. Là một vị tướng nhưng chưa từng thấy ông nổi nóng hay nói to, dù biết nhiều khi ông rất buồn"
GS Phạm Duy Hiển
(nguyên viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê Quảng Bình cuối cùng năm 2004 - Ảnh: Trần Định
Đỉnh cao của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp là ở chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông đã khéo léo sử dụng đường lối chiến tranh nhân dân, tạo thế hậu cần, thay đổi chiến thuật để chỉ với bốn đại đoàn bộ binh và một đại đoàn sơn pháo đã đánh tan cả tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp với trang bị khí tài quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Suốt cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nổi tiếng là một vị tướng thương lính, luôn chủ trương giữ gìn tiết kiệm xương máu lính, nhất là sau chiến dịch Mậu Thân.
Hòa bình lập lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật - giáo dục. Trong vai trò mới của mình, ông đã cố gắng tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ trung, tài năng, đầy nhiệt huyết. Ông đã ký lệnh thành lập Viện Hạt nhân Đà Lạt, cũng như giúp đỡ rất nhiều cho hoạt động của Viện Toán, Viện Cơ học, Viện Vật lý...
Cuối đời, tuổi đã cao, vị Đại tướng của nhân dân vẫn miệt mài nghiên cứu và trăn trở về tình hình đất nước. Ông đã nhiều lần gửi thư kiến nghị nhiều vấn đề lên Quốc hội và Trung ương Đảng. Ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử VN, nơi ông làm chủ tịch danh dự, và nhận được sự tôn trọng, thương yêu của các nhà khoa học, các tướng lĩnh, những người lính bình thường.
Xin nghiêng mình trước anh linh vị Đại tướng tài ba, người suốt đời chiến đấu và hi sinh cho độc lập dân tộc và công bằng xã hội.
THU HÀ
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội năm 2003 - Ảnh: V.Dũng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1994 - Ảnh: Trọng Thanh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara - Ảnh: Getty Images
* Ông Võ Hồng Nam (con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp):
Gia đình tràn đầy tình yêu thương
Chúng tôi được sống trong một không khí gia đình tràn đầy tình yêu thương, ba mẹ tôi đối xử với các chú bên Bộ Tổng tư lệnh trước đây hay văn phòng đại tướng sau này như người nhà, nên chúng tôi cũng coi các chú các anh như người nhà.
Nhà tôi lúc nào cũng có gạo quê, có gà, có rau do các cựu chiến binh, những người lính của ba tôi mang từ Điện Biên xuống, mang từ quê lên, cửa nhà chúng tôi luôn mở rộng với tất cả. Những tháng ngày khó khăn nhất, ba mẹ tôi vẫn đọc sách, chơi đàn. Ba nói với mẹ: cùng lắm chúng ta vẫn có thể dịch sách và đi dạy. Tôi hiểu và biết thương ba từ những ngày ấy.
* Đại tá Trịnh Nguyên Huân (thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về các vấn đề khoa học kỹ thuật):
Không bao giờ nói về chiến thắng
Tôi về văn phòng anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ngay sau khi đi học ở Liên Xô về. Tôi luôn kinh ngạc về khả năng cập nhật các tri thức khoa học mới. Anh không bao giờ tỏ ra là một đại tướng, anh sinh ra không phải để làm tướng. Anh không bao giờ nói về chiến thắng, anh chỉ nói về các bài học. Chúng tôi học anh suốt đời.