Năm 2017: "Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn" 

Lịch công tác
Văn bản mới
Thông tin thời tiết
Thống kê truy cập
Chi tiết tin tức
Kẻ sĩ dấn thân
Người đăng: .Ngày đăng: 01/09/2013 12:29 .Lượt xem: 1235 lượt.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là một khúc ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Gắn với khúc ngoặt lịch sử ấy có nhiều gương mặt đã trở thành nhân vật của lịch sử. Phải 68 năm sau sự kiện này, có một nhân vật lịch sử mới được nhận danh hiệu là “cán bộ tiền khởi nghĩa”.

Phải chăng ý niệm “tiền khởi nghĩa” là nhằm vào thế hệ đã “làm nên” để phân biệt với thế hệ “đi theo” cuộc cách mạng ấy?

 

Nhân vật đó là luật sư Phan Anh (*). Trước cách mạng, ông được vua Bảo Đại vời vào kinh đô Huế tham vấn rồi được Tổng trưởng nội các Trần Trọng Kim mời làm bộ trưởng thanh niên của một chính phủ bị những người cách mạng coi là “bù nhìn”, để rồi sau cuộc cách mạng ấy lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ cách mạng tại thủ đô Hà Nội và từng giữ chức bộ trưởng quốc phòng và gắn bó với sự nghiệp của cuộc cách mạng ấy đến trọn đời.

Cuộc đời của Phan Anh là biểu tượng của một kẻ sĩ dấn thân. 


Phan Anh -  Cán bộ tiền khởi nghĩa

 

Có thể hiểu Phan Anh hơn khi đặt ông bên một người đồng tuế rất danh tiếng là Võ Nguyên Giáp. Hai người cùng sinh năm Tân Hợi (1911), cùng xuất thân trong một gia đình nhà nho ở những vùng quê nghèo (Hà Tĩnh và Quảng Bình). Cùng dấn thân vào con đường học vấn để cùng gặp nhau tại Hà Nội trên cùng một mái trường (Trường Bưởi), rồi cùng trên bục giảng (Trường tư thục Thăng Long), lại cùng hướng nghiệp vào ngành luật...


Sự khác biệt bắt đầu từ khi Võ Nguyên Giáp dấn thân vào con đường hoạt động chính trị chuyên nghiệp khi tham gia các tổ chức có khuynh hướng cộng sản (Tân Việt) rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Còn Phan Anh vẫn tiếp tục dấn thân đi theo một hướng khác tuy rằng cả hai đều nung nấu một mục tiêu chung của thế hệ đương thời là thể hiện lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do.


Nhờ học lực và nghị lực, Phan Anh có cơ hội sang Pháp học luật rồi trở về nước hành nghề luật sư. Khác với Võ Nguyên Giáp, Phan Anh lại tham gia Đảng Xã hội Pháp (SFIO). Nhưng chính vị luật sư đảng viên xã hội này lại là người đã biện hộ cho những phạm nhân cộng sản tại các phiên xét xử của tòa án thực dân.


Phan Anh nổi tiếng với những vụ án tại tòa án quân sự đương thời. Ông đã nhắc lại cho những vị quan tòa thực dân những kiến thức lịch sử cuộc Cách mạng Pháp và đặt câu hỏi có thể kết án một cậu bé như Gavơrôt vì đã tham gia cuộc cách mạng chống lại nền chuyên chính để gỡ án tử hình cho một chiến sĩ cộng sản còn đang ở độ tuổi vị thành niên đã là bí thư “Chi bộ Hàng Nón” nổi tiếng một thời là Hoàng Minh Chính.


Phan Anh từng bảo vệ thân chủ của mình là em gái của nhà cách mạng cộng sản nổi tiếng Nguyễn Thị Minh Khai là Nguyễn Thị Quang Thái, cũng là vợ của người đồng tuế với mình...


Võ Nguyên Giáp từng làm báo từ tờ Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở miền Trung đến những tờ báo của Đảng Cộng sản phát hành công khai tại Hà Nội. Với Võ Nguyên Giáp, báo chí cách mạng là vũ khí vận động để tạo ra một cuộc cách mạng. Còn Phan Anh cùng với một số trí thức yêu nước và cấp tiến ra tờ Thanh Nghị lấy mục tiêu khai mở dân trí trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa như sự chuẩn bị cho những cơ hội...


Trong cùng một cơ hội vào thời điểm Thế chiến thứ II sắp kết thúc, Võ Nguyên Giáp theo Bác Hồ gắn cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta với phe Đồng minh, đại diện cho trào lưu tiến bộ sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít.


Võ Nguyên Giáp lãnh trách nhiệm thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, cộng tác với Hoa Kỳ chống cả thực dân Pháp và phát xít Nhật đang cai trị nước ta khi là tư lệnh của Đại đội Việt Mỹ thành lập trên chiến khu Tân Trào (Đàm Quang Trung là đại đội trưởng và thiếu tá A.Thomas làm cố vấn, trong đơn vị có nhiều nhân viên của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS).


Trong khi đó, nhận ra xu thế chủ nghĩa phát xít Nhật sẽ bại trận nhưng Phan Anh chấp nhận sự dấn thân để góp phần vào mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc.


Trong hồi ức của mình, Phan Anh có kể lại việc những người bạn trí thức thân thiết như Dương Đức Hiền và Trần Duy Hưng lúc này đã tham gia Việt Minh, khuyên ông đừng vào Huế gặp vua Bảo Đại và tham gia nội các Trần Trọng Kim. Nhưng tính cách của Phan Anh là bất chấp cân nhắc lợi hại mà chỉ tin vào chính niềm tin trong sáng của mình để hành động nên câu trả lời của ông là “Cứ đi!”.


Ông nhận cương vị tổng trưởng thanh niên trong nội các Trần Trọng Kim với chủ trương không lập Bộ Quốc phòng để tránh bị phát xít Nhật lợi dụng lôi kéo vào cuộc chiến tranh chống Đồng minh, nhưng lại kín đáo cùng Tạ Quang Bửu lập Trường Thanh niên tiền tuyến để đào tạo lực lượng vũ trang cho tương lai mà ông vẫn đang chờ đợi.


Và khi cái tương lai ấy là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam độc lập, dù chỉ kịp đào tạo hơn 40 học viên thì tất cả những học viên của ngôi trường nhỏ ở thành phố Huế này đã trở thành hạt nhân cho lực lượng vũ trang cách mạng không chỉ cho miền Trung. Trong đó có nhiều người về sau trở thành tướng lĩnh tài giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Chọn được đội ngũ của mình


Sau này khi viết lại quãng thời gian tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, Phan Anh nói rằng có thể có nhiều cách để phán xét của người đời sau, nhưng những người trong cuộc như ông đều coi đó là một thời dấn thân cống hiến. Với ông là lập được Trường Thanh niên tiền tuyến để sau này đóng góp cho lực lượng “Bộ đội Cụ Hồ” nhiều cán bộ xuất sắc.


Cùng với nội các Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại đã vận động đòi hủy bỏ những điều ước mà chính các bậc tiên triều của nhà Nguyễn đã ký với Pháp để trả lại quyền độc lập cho cả ba kỳ của Việt Nam, thả một số tù chính trị mà Pháp đã giam giữ, trong đó có cả những chiến sĩ cộng sản mà Nhật chưa thả.


Cho dù không khắc phục được nạn đói nhưng nội các này đã nỗ lực huy động gạo từ Nam bộ và một vị tổng trưởng của nội các đã thiệt mạng trong khi thực thi sứ mạng cứu đói cho đồng bào của mình. Và khi thời điểm đã chín muồi thì chính những thành viên trong nội các này đã chủ động dự liệu mọi việc để yêu cầu nhà vua thoái vị, sẵn sàng trao lại quyền bính cho Việt Minh...


Tháng 6-1945, Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh ra Hà Nội, diễn thuyết tại Nhà hát lớn trước đông đảo thành viên của tổ chức “Thanh niên xã hội”, “Thanh niên tiền tuyến” (mà đương thời vì coi ông là thủ lĩnh nên còn gọi là “Thanh niên Phan Anh”).


Trong bài diễn thuyết của mình, ông công khai chấp nhận một sự thật khi bộc bạch: “Có anh em không hiểu tôi và tôi bị mắc tiếng oan. Đó là một sự hi sinh. Một sự hi sinh khá đau đớn, vì là hi sinh danh dự... Âu cũng là vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc”.


Đúng là để hiểu Phan Anh và những người cùng cộng tác với ông trong bước ngoặt lịch sử trọng đại này thật không đơn giản. Người đời sau dễ dàng phủ nhận tất cả, chỉ giành vinh quang cho chính mình. Đó là điều thường tình. Nhưng có một người đủ tầm nhìn để nhận ra những sự hi sinh ấy. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Vua Bảo Đại thoái vị được mời ra làm cố vấn tối cao cho Chính phủ cách mạng dù chỉ một thời... Riêng với kẻ sĩ dấn thân như Phan Anh, đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời ông tựa như Võ Nguyên Giáp sau khi đã được gặp Bác Hồ.


Để chọn được người thuộc thành phần “trung lập” (không tham gia đảng phái) vào hai chức vụ quan trọng nhất của Chính phủ liên hiệp do Quốc hội mới thành lập bầu, nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được trao chức bộ trưởng nội vụ và luật sư Phan Anh đảm nhận bộ trưởng quốc phòng.


Vào thời điểm này, Phan Anh lại có cơ hội gần gũi người bạn đồng tuế của mình là Võ Nguyên Giáp - người đứng đầu Quân ủy hội. Phan Anh hiểu rằng cương vị bộ trưởng có giới hạn trong sự phân công và kết hợp giữa mục tiêu chính trị và quân sự.


Hình ảnh Võ Nguyên Giáp và Phan Anh cùng có mặt trong lễ khai giảng Trường Võ bị mang tên Trần Quốc Tuấn để chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ thêu dòng chữ vàng “Trung với Nước - Hiếu với Dân” cho thấy kẻ sĩ dấn thân đã chọn được đội ngũ của mình. Sau này, quan hệ giữa hai người đồng tuế họ Phan và họ Võ một thời còn gắn bó với nhau bởi mối quan hệ thông gia tuy không trọn vẹn...


Giữ chức bộ trưởng quốc phòng chỉ trong tám tháng, Phan Anh lại dấn thân với nhiều nhiệm vụ mới mà năng lực “thầy cãi” (chữ Bác Hồ thân mật gọi ông) đã đòi hỏi ông có mặt trong những hoạt động mũi nhọn của ngoại giao để dùng trí tuệ đấu tranh cho lợi ích quốc gia : Hội nghị Fontainebleau ở Pháp và cuối cùng là cùng với Tạ Quang Bửu tại Hội nghi Genève ở Thụy Sĩ để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông còn đảm nhận chức bộ trưởng của ngành kinh tế trong thời kỳ xây dựng đất nước...


Phan Anh mất năm 1990, những người thân viết trong hồi ức của mình cho biết kẻ sĩ dấn thân này tâm đắc nhất với chính đời mình là đã thực hiện được trọn vẹn lời dạy của cha mình, một vị túc nho đất Tùng Ảnh, Hà Tĩnh là cụ Phan Điện: “trung tín hành thiên hạ” và “nhân nhượng hưng quốc gia”.


Phải 68 năm sau, người đời mới nhận diện được Phan Anh là một phần của cuộc cách mạng, kể cũng đã là điều đáng nghĩ!

DƯƠNG TRUNG QUỐC
(Nguồn tin: Tuổi Trẻ cuối tuần)
 

(*): Cùng với luật sư Phan Anh còn có giáo sư Tạ Quang Bửu được công nhận vào dịp này.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Đông Giang: Khen thưởng 13 tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ Tháng Thanh niên 2017
Thị đoàn Điện Bàn tổ chức Hội nghị sơ kết quý I/2017 và tổng kết Tháng Thanh niên
Đồng chí Lê Duẩn với xứ Quảng
Thăng Bình: Hội nghị tổng kết Tháng Thanh niên 2017, khởi công công trình thanh niên cấp huyện
Rộn ràng các hoạt động “Hành trình Tháng 3 - Hội An trong tim tôi”
Mời các bạn đoàn viên, thanh niên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại trực tuyến với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn
Khai mạc Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh "Ánh sáng soi đường" lần thứ II
Học tập, quán triệt chuyên đề “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Diễn tập ứng phó động đất và tìm kiếm cứu nạn: Bài học từ “thảm họa”
Thanh niên Quảng Nam tình nguyện tại Lào
Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý: Tạo nguồn nhân lực để phát triển
Bão số 6 sẽ đi dọc ven biển các tỉnh Trung Bộ
TP.HCM tặng 1 tỷ đồng nâng cấp, trùng tu nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tường thuật trực tiếp Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ
Tường thuật trực tiếp Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ
Tường thuật trực tiếp “Ngày hội tuổi trẻ đền ơn, đáp nghĩa và Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ”
Tổ chức Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam 4 cấp trong năm 2014
    
1   2   3   4   5   6   7  
    

Đăng nhập
Tài khoản