Hồi giữa tháng 3-2013, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã có các cuộc gặp lãnh đạo các tập đoàn và công ty của nước này để nghe ý kiến về mối đe dọa của các cuộc tiến công mạng. Ðộng thái này diễn ra sau khi Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Giêm Clép-pơ cảnh báo, nguy cơ tiến công mạng hiện là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Mỹ, lớn hơn nguy cơ tiến công khủng bố. Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ M.Mắc Cau coi mối đe dọa tiến công mạng nguy hiểm như vụ tiến công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001.
Ông Giêm Clép-pơ thừa nhận công nghệ số và máy tính đã và đang phát triển quá nhanh tới mức mọi biện pháp bảo vệ an ninh của Mỹ khó có thể theo kịp và không thể hình dung hết các hậu quả của các cuộc tiến công mạng và tình báo mạng. Mục tiêu tiến công là các cơ sở hạ tầng; hệ thống cung cấp khí đốt, điện, nước uống... nhằm làm "tê liệt" nước Mỹ. Người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia Mỹ khẳng định, tiến công mạng giờ đây đã trở thành một nguy cơ xuyên quốc gia, có thể xảy ra trên diện rộng và trên mọi lĩnh vực, là một mối đe dọa lớn đối với các hệ thống hạ tầng cơ sở, ngân hàng... Tình báo mạng đang tìm cách đánh cắp các thông tin tuyệt mật liên quan tới an ninh quốc gia của Mỹ. Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) thông báo họ đang tiến hành điều tra một trang mạng đăng tải thông tin cá nhân được cho có thể là đánh cắp từ hồ sơ cá nhân của các nhân vật quan trọng ở Mỹ. Trước đó, các báo Wall Street Journal, The New York Times thông báo đã bị các tin tặc nước ngoài tiến công mạng để đánh cắp các mật mã của phóng viên. Tướng K. A-lếch-xan-đơ, người đứng đầu Bộ chỉ huy mạng của quân đội Mỹ cho biết, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, số lần tin tặc tiến công mạng nhằm vào hệ thống điện, nước, viễn thông và máy tính của Mỹ tăng 17 lần và đánh cắp số tài sản trí tuệ trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.
Trước khi mãn nhiệm, Bộ trưởng Ngoại giao Hi-la-ri Clin-tơn cảnh báo, Chính phủ Mỹ phải đặc biệt lưu tâm đến các vụ tiến công thường xuyên của các tin tặc nhằm vào các cơ quan chính quyền, các tòa soạn báo và các công ty tư nhân. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã và đang triển khai chương trình tuyệt mật, mang tên "Công dân hoàn hảo" (Perfect Citizen) nghiên cứu phát triển các hệ thống thiết bị phát hiện và giám sát nhằm bảo vệ an ninh các hệ thống hạ tầng cơ sở sống còn của nước Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ đang soạn thảo một đạo luật về an ninh mạng, trong đó yêu cầu đưa ra các tiêu chuẩn mới tại các cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân trọng yếu như nhà máy điện, các cơ sở xử lý nước và đường ống dẫn khí đốt, nơi mà một sự cố mạng có thể gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và sinh mạng.
Nhà chức trách Anh vừa cho biết, hàng loạt các vụ tiến công mạng do các tin tặc và gián điệp nước ngoài thực hiện nhằm vào các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp của Anh với mục đích đánh cắp bí mật quốc gia và bí mật kinh doanh. Bọn tội phạm mạng cũng tìm mọi cách phá hoại cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin liên lạc, thậm chí cả hệ thống vệ tinh của xứ sở sương mù. Mỗi năm, Anh chịu thiệt hại tới 27 tỷ bảng (hơn 43 tỷ USD) do tội phạm mạng gây ra. Theo Bộ Ngoại giao Anh, khả năng của tin tặc tiến bộ không ngừng và các mục tiêu cũng ngày càng phát triển về mức độ quan trọng. Người đứng đầu bộ này, ông Uy-liêm Ha-gơ thừa nhận, tội phạm mạng là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại ngày nay. Ông I. Lốp-ban, Giám đốc một cơ quan tình báo của Anh cảnh báo, quy mô cũng như tốc độ của các vụ tiến công mạng hiện nay ở mức độ chưa từng thấy và chúng đang đe dọa an ninh kinh tế của Vương quốc Anh.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết, thời gian gần đây đã có ít nhất 19 trang mạng của cơ quan, tổ chức của Nhật Bản, như ngân hàng, trường đại học đã bị tiến công, khiến các trang mạng bị treo và trong một số trường hợp còn can thiệp vào nội dung. Viện Công nghệ Tô-ki-ô thông báo, trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu văn minh thế giới cũng bị tiến công, khiến dữ liệu cá nhân của 1.068 người tham gia trung tâm bị đánh cắp.
Trên thực tế, Mỹ và các đồng minh NATO đã sử dụng thành quả công nghệ thông tin này làm vũ khí trong các cuộc chiến tranh gần đây, như ở I-rắc chẳng hạn. Ngày 17-1-1991, trước khi máy bay của quân đồng minh, do Mỹ chỉ huy tiến công I-rắc, tất cả hệ thống ra-đa của I-rắc bỗng chớp chớp vài cái rồi tắt ngóm. Máy bay đồng minh bay vào vùng trời I-rắc như bay vào cõi không người, không vấp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Vì lúc đó, quân đội của Xa-đam Hu-xê-in hoàn toàn mất kiểm soát bầu trời của họ. Sau này, người ta được biết, toàn bộ hệ thống máy tính của I-rắc lúc ấy, vốn do Pháp trang bị, đều bị Mỹ cài vi-rút. Thế nhưng, trong cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, Mỹ và đồng minh không thể tái lập chiến thuật ấy được nữa. Bộ Quốc phòng I-rắc đã cảnh giác và ngăn chặn mối đe dọa từ loại vũ khí này.
Cho đến nay, trong dư luận quốc tế vẫn có tranh luận về nội dung cũng như tên gọi của loại hoạt động nguy hiểm và có công dụng lớn này. Năm 1998, người ta gọi đây là chiến tranh mạng (cyber war), nhưng có người đề nghị nên gọi là tiến công mạng (cyber-attack). Ông R.Clác, cựu cố vấn về chống khủng bố trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, tác giả cuốn Cyber War xuất bản năm 2010, đã hình dung diễn tiến của cuộc chiến tranh mạng như sau: Khi một nước nào đó tiến công một nước khác, họ sẽ không khai chiến, không cho máy bay cất cánh, không chuyển quân và không nổ súng. Tất cả đều án binh bất động. Tất cả đều im lặng. Chỉ có các chuyên viên ngồi trước máy tính làm việc. Và bỗng dưng, ở nước thù địch bị tiến công, mọi đường ống dẫn xăng, dầu nổ tung và bùng cháy dữ dội; hệ thống đường dây điện, mọi bóng đèn, từ đèn đường đến đèn nhà, đều tắt ngóm; hệ thống không lưu ở sân bay ngừng hoạt động; máy bay không thể lên hay xuống được; hệ thống điều hành xe lửa cũng bị hư, xe lửa hoặc đứng yên hoặc tông vào nhau rầm rầm; nước trong các hồ chứa ở các thành phố hoặc ngừng chảy hoặc chảy tràn, thành lụt ở khắp nơi; và mọi hồ sơ chuyển tiền, vay tiền trong ngân hàng đều bị xóa sạch; các máy rút tiền đều bị chết cứng... Tất cả sự việc đó đều diễn ra trong khoảng 15 phút. Trong suốt thời gian ngắn ngủi ấy, kẻ thù vẫn khuất mặt, không bị phát hiện. Một loại "chiến tranh mới trong tương lai".
Tuy nhiên, có người đã cho rằng, sự tưởng tượng của R.Clác ít nhiều có tính chất cường điệu hóa. Thực tế, ngày nay kẻ tiến công đã không thể hành động đơn giản và dễ dàng như vậy. Một phần, các nước đều ít nhiều biết cách tự phòng vệ; phần khác, với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, mọi sinh hoạt đều có tính chất liên lập, khi gây thiệt hại cho nước này, người ta không thể tránh gây thiệt hại cho nước khác, kể cả chính nước của mình. Cuối cùng, một cuộc chiến tranh với quy mô như vậy có thể gây ra những phản ứng ngược, dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn mà không ai có thể lường trước được.
Lấy I-ran làm thí dụ. Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Viễn thông I-ran, ông Rê-da Ta-gi-pu-ra khẳng định, hoạt động gián điệp có ý nghĩa chiến lược luôn dễ bị lộ trên in-tơ-nét. Vì vậy, ông không tin tưởng in-tơ-nét. Lý do là hệ thống này được quản lý bởi một số ít quốc gia có mối quan hệ không thân thiện với I-ran. Hồi tháng 9-2012, Chính phủ I-ran quyết định cắt hệ thống mạng tại tất cả các cơ quan bộ và những cơ quan nhà nước khác nhằm tránh khỏi những cuộc tiến công mạng. Trước đó, hệ thống mạng của I-ran đã bị hai loại vi-rút cực kỳ nguy hiểm gọi là Stuxnet và Flame tiến công. Bộ Công nghệ Thông tin và Viễn thông có kế hoạch thiết lập một mạng nội bộ quốc gia để thay thế in-tơ-nét.
Báo cáo mới đây của Công ty phần mềm Symantec của Mỹ cho biết, lãnh đạo nước Mỹ có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra giun máy tính Stuxnet được dùng để thu thập tin tức về chương trình hạt nhân của I-ran vào năm 2010, cũng như phát triển phương tiện theo dõi điều khiển học Flame. Vi-rút máy tính Flame làm nhiệm vụ gián điệp mạng và đánh cắp thông tin từ các máy tính bị lây nhiễm. Nó có khả năng đánh cắp thông tin được đưa ra màn hình, các thông tin về các hệ thống, các file được cất giữ trên máy tính, các thông tin kết nối giao tiếp của người dùng và thậm chí ghi âm các cuộc nói chuyện.