Có rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm Hagel từ khi Tổng thống Obama còn chưa đưa ra quyết định, bao gồm nhiều vấn đề từ thay đổi khí hậu, quyền của người đồng tính tới Iraq, Iran. Nhưng không giống như với trường hợp của đại sứ Susan Rice, người đã rút khỏi cuộc đua giành ghế Ngoại trưởng trong tân chính quyền Obama giữa những chỉ trích gay gắt từ phe Cộng hòa, Tổng thống Obama đã quyết định chọn Hagel.
Dưới đây là 6 lý do được cho là dẫn tới quyết định của ông Obama:
Thứ nhất, Tổng thống Obama không muốn bị xem là chịu khuất phục hai lần trước các cuộc tấn công từ phe Cộng hòa sau trường hợp của bà Rice. Quan trọng hơn, ông đã có một lựa chọn vững chắc cho vị trí Ngoại trưởng: Thượng nghị sĩ John Kerry. Hagel rất khác thường theo nhiều khía cạnh, trong số đó có việc ông là một cựu chiến binh. Hai ứng viên hàng đầu khác cho vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng là Ashton Carter và Michele Flournoy đều không phục vụ trong quân đội.
Thứ hai, Hagel sẽ là một đồng minh tin cậy của Obama ở Lầu Năm Góc. Tổng thống Mỹ đã có được sự chia sẻ của ông về những căng thẳng với quân đội, như nhiều báo cáo đã nêu rõ, trong đó có hồi ký của Thượng nghị sĩ về hưu Stanley McChrystal và bài báo của Rolling Stone mà vốn dẫn tới việc Hagel từ chức.
Phe diều hâu trong Quốc hội luôn chỉ trích Obama. Hagel sẽ là một đối trọng trước những đòi hỏi phải triển khai nhiều quân hơn và can thiệp nhiều hơn ở bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là với Iran.
Thứ ba, Hagel cũng cẩn trọng về can thiệp quân sự giống Obama. Mặc dù ông bỏ phiếu đồng ý tấn công Iraq, Hagel vẫn có những e dè và sau đó lại trở thành người chỉ trích gay gắt cuộc chiến này.
Các dấu hiệu cho thấy ông sẽ ủng hộ ngay nếu Obama quyết định rút quân khỏi Afghanistan nhanh chóng hơn dự định. Ngay khi Osama bin Laden bị tiêu diệt năm 2011, Hagel nói rằng Obama "đã có được sự khởi đầu hướng tới các lối thoát". Nỗ lực truy đuổi bin Laden và al-Qaeda là "lý do chúng ta xâm lược Afghanistan" sau loạt vụ khủng bố 11/9, Hagel nhấn mạnh, chứ không phải truy đuổi Taliban. "Chúng ta đã để lạc mục đích của mình, mục tiêu của mình. Chúng ta đang ở trong một thế giới của những điều không thể đoán trước được và những điều không thể kiểm soát được", ông nói.
Thứ tư, Hagel sẽ bổ sung thêm tác động lưỡng đảng đối với Nội các Obama. Ông đã chọc giận nhiều thành viên Cộng hòa bằng những phản đối mạnh mẽ về cuộc chiến Iraq, từ chối ủng hộ ứng viên Cộng hòa John McCain trong cuộc bầu cử năm 2008 và chỉ trích những người Cộng hòa hồi năm ngoái rằng đã thi nhau trong "cuộc chạy đua nói ai sẽ đánh bom Iran trước tiên".
Tuy nhiên, tiếng tăm chung của ông tại Quốc hội lại mang tính bảo thủ. Năm 2007, khi Hagel vẫn đang cân nhắc có ra tranh cử tổng thống hay không, Chủ tịch liên minh Bảo thủ Mỹ David Keene nhận xét với báo Washington Times rằng Hagel là một người "sáng lạn, tử tế và bảo thủ về gần như tất cả các vấn đề".
Thứ năm, Obama và Hagel yêu mến và tin tưởng lẫn nhau. Họ đã cùng nhau công du tới Iraq năm 2008, và năm đó Hagel đã phải bảo vệ mình trước những cuộc tấn công mang dấu vết tranh cử. "Obama và tôi đã biết nhau rất rõ ở Thượng viện từ khi ông ấy mới ở đó", Hagel nói năm ngoái trong một cuộc phỏng vấn với al-Monitor, một trang web tiếng Anh đưa tin về Trung Đông. "Tôi có sự kính mến lớn nhất dành cho ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy là một trong những người tốt nhất, tử tế nhất mà tôi từng biết, và là một trong những người thông minh nhất".