Phát biểu trước hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nước G-20 lấy lại sự cân bằng kinh tế và có một chiến lược rõ ràng để đưa nền kinh tế vào con đường phát triển bền vững. Lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền đe dọa nền kinh tế thế giới, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động có trách nhiệm và thống nhất. Thời điểm khủng hoảng cục bộ đã qua. Các vấn đề tài chính ở các nền kinh tế hàng đầu có tác động nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu. Không một nước nào có thể một mình đối phó với các thách thức mới”. Trước đó, tại Hội nghị G7, gồm các nước Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Italia cũng đã ra tuyên bố chung, theo đó, các nước thành viên cam kết áp dụng tỷ giá theo cơ chế thị trường, đồng thời cho rằng, các chính sách tài khóa và tiền tệ không nên hướng đến mục đích phá giá đồng tiền. Tuy nhiên, tại hội nghị này Nhật Bản đã bị cáo buộc là khơi mào cho “cuộc chiến tiền tệ”, vì chỉ trong vòng hai tháng gần đây, giá trị đồng yên của Nhật đã giảm 10% so với đồng USD và 20% so với đồng EUR. Một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng trên thực tế từ năm năm qua, hầu hết các cường quốc kinh tế đã điều chỉnh tỷ giá đồng tiền của mình để kích thích nền kinh tế. Chính sách “đồng USD yếu” của Mỹ, Trung Quốc cũng định giá thấp đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục hạ lãi suất xuống gần 0%. Tại châu Âu, ngân hàng (ECB), Thụy Sỹ (SNB), Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan… cũng đã cho hạ lãi suất xuống ngưỡng 0%, thậm chí âm % nhằm kích thích nền kinh tế. Frederic Ducrozet, một chuyên gia kinh tế Pháp, cảnh báo nếu tất cả mọi quốc gia đều phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, sau những hiệu quả đầu tiên, vực dậy guồng máy sản xuất thì chính sách này sẽ đưa đến hậu quả lạm phát không tránh khỏi. Ông Ducrozet đã nhắc lại các “cuộc chiến tiền tệ” xảy ra vào năm 1930 sau cuộc khủng hoảng 1929 và lạm phát phi mã tại Đức mà hậu quả cuối cùng là đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945). Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde lại có nhận định khác, bà cho rằng, nguy cơ về “cuộc chiến tiền tệ” hiện nay đang bị thổi phồng quá mức bởi trên thực tế không có độ chênh lệch lớn về giá trị giữa các đồng tiền chính trên thế giới. Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) ông Mario Draghi cũng cho rằng, đề tài về cuộc chiến tiền tệ là không cần thiết tại G-20. Còn Thứ trưởng Tài chính Mỹ ông Lael Brainard lại nói: “Các nước G-20 sẽ phải đưa khuôn khổ tỷ giá hối đoái vào một trật tự để chúng ta có thể cùng tăng trưởng và tránh sự đi xuống theo hình xoắn ốc hay các chính sách “làm nghèo hàng xóm”. Tăng trưởng và cắt giảm chi tiêu Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ, Nhật Bản, Anh và Khu vực Eurozone là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Cao ủy EU về kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cho biết, các nước thành viên G-20 cần tập trung vào các cải cách cơ cấu hơn là các gói kích thích tiền tệ và tài chính ngắn hạn, ông nói: “Tôi cho rằng, để đạt được sự tăng trưởng cân bằng và bền vững, các thành viên G-20 cần tập trung nhiều hơn vào các cải cách cơ cấu hơn là các gói kích thích tiền tệ và tài chính ngắn hạn. Do đó, điều cần thiết là tạo ra điều kiện cho nhu cầu tư nhân có thể sẵn sàng tiếp quản từ nhu cầu công cộng”. Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ đã có các chính sách mua trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản cũng muốn áp dụng thêm gói kích thích kinh tế. Theo ông Olli Rehn, những chính sách như vậy đã dẫn tới làm suy yếu đồng USD và đồng yên, khiến xuất khẩu của các nước này tăng tính cạnh tranh, điều mà một số nhà hoạch định chính sách gọi là “cuộc chiến tiền tệ”. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Lael Brainard kêu gọi G-20 tránh định giá thấp tiền tệ của các nước này nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh, điều đó sẽ đe doạ tăng trưởng kinh tế. Theo ông, để đảm bảo phù hợp chiến lược tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng như thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, G-20 cần đưa ra cam kết nhằm hướng tới những tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định và cố gắng không định giá thấp để cạnh tranh. Một số đại biểu đã đề nghị xem xét lại sự cân bằng giữa chính sách tăng trưởng và thắt chặt chi tiêu. Theo tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã đề nghị thay đổi các thỏa thuận được ký kết tại Toronto, Canada năm 2012 bởi nó không còn phù hợp với thời điểm hiện nay. Tại Canada, các nhà lãnh đạo G-20 đã thống nhất cắt giảm thâm hụt ngân sách 50% vào năm 2013 và ổn định vấn đề nợ công vào năm 2016. Các nhà kinh tế tính toán cứ cắt giảm 1 EUR thâm hụt ngân sách sẽ khiến giảm sút 50 xu về tăng trưởng. Tuy nhiên, theo IMF và các nhà tư vấn kinh tế của G-20, trên thực tế con số tăng trưởng sụt giảm lại là 1,5 EUR. Không ít nền kinh tế của các quốc gia châu Âu áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã không có hiệu quả mà còn gây hệ lụy xã hội. Cũng trong cuộc gặp với các bộ trưởng tài chính ngày 15-2, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay các vấn đề kinh tế mà Mỹ hay châu Âu đang gặp phải đều ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết sự mất cân bằng kinh tế và kích thích tăng trưởng toàn cầu. Kết quả cuối cùng, trong thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 đã nêu rõ các bên kiên quyết đấu tranh với vấn nạn trốn thuế và không đặt ra mục tiêu tỷ giá hối đoái đặc biệt, vốn là nguyên nhân chính có thể gây ra một “cuộc chiến tiền tệ”. Thông cáo cũng khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết, trong đó có tiến hành cải cách tài chính nhằm xây dựng hệ thống tài chính vững chắc hơn và cải cách mạnh mẽ cơ cấu nhằm cân bằng kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
|