Áp thấp có thể mạnh thành bão
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 11-9, vùng áp thấp trên khu vực đông nam biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh thành bão hướng vào các tỉnh miền Trung. Áp thấp nhiệt đới được cho gây ra một đợt mưa diện rộng khắp Trung - Nam bộ và Tây Nguyên.
Tối cùng ngày áp thấp nhiệt đới hoạt đông khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng tây tây bắc hướng về các tỉnh Trung bộ, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm.
Dự báo ngày 12-9, áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa biển Đông (bao gồm vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận-Cà Mau có mưa dông, gió tây nam giật mạnh cấp 6-8, sóng biển cao từ 2-3 mét.
Trong khi đó, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng, đợt mưa này kéo dài từ ngày 12 đến 14-9. Tại khu vực Nam bộ, Tây Nguyên, trong đó có các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo ghi nhận, ngày 11-9, tại TP.HCM đã có mưa với vũ lượng khá lớn như: trạm Lý Thường Kiệt: 88mm, Bình Chiểu gần 70mm… đã làm nhiều tuyến đường bị ngập nước gây ảnh hưởng giao thông như tuyến đường: Bạch Đằng (Bình Thạnh), Dương Văn Cam (Thủ Đức), Quốc Hương (Q.2)…
Cảnh báo mưa lớn ở Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh thêm và di chuyển về phía các tỉnh Trung Bộ nên từ đêm 12-9 đến ngày 14-9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới ở Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13g ngày 11-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13g ngày 12-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận -Cà Mau có mưa dông và gió Tây Nam giật mạnh cấp 6-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
TT KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN - QUANG KHẢI