Đúng 8 giờ sáng nay 21-1, sau lễ chào cờ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XII) khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Các Đại biểu Đại hội XII tại lễ chào cờ
Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên; trong đó đại biểu đương nhiên 197 người là Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết khoá XI; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.300 và đại biểu chỉ định là 13.
Đoàn Chủ tịch Đại hội XII
Đoàn Chủ tịch của Đại hội gồm 16 Ủy viên Bộ Chính trị và bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Chủ tịch Đoàn Chủ tịch là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Nguyễn Phú Trọng.
Chủ đề của Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Mở đầu chương trình làm việc chính thức của Đại hội XII sáng 21-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Khóa XI Lê Hồng Anh tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
Ngay sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu khai mạc Đại hội XII.
Chủ tịch nước nêu rõ Đại hội XII tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chúng ta đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013.
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc Đại hội XII
Chủ tịch nước cho biết Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới. Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại hội XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Bước vào phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên khai mạc, giới thiệu Tổng Bí thư khóa XI Nguyễn Phú Trọng lên đọc Báo cáo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội. Báo cáo tổng hợp dài khoảng 20 trang.
Tổng Bí thư khóa XI Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội
Đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư khẳng định các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, được hàng triệu ý kiến tâm huyết góp ý; là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư khái quát những nội dung quan trọng, cốt lõi nêu trong các văn kiện. Theo đó, nội dung các văn kiện khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được, những bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện về các mặt thuận lợi và khó khăn, các văn kiện đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, các văn kiện đã đề xuất mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020; đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
Tổng Bí thư nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Theo Tổng Bí thư, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Sáu là , phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên khai mạc
Các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội XII
Các đại biểu tại Lễ khai mạc Đại hội XII
Các đại biểu quốc tế tham dự Lễ khai mạc Đại hội XII
Tiếp đó, bà Trương Thị Mai thay mặt Đoàn thư ký Đại hội đọc điện, thư chào mừng của các chính đảng những nước bạn.
Chương trình Đại hội XII trong buổi sáng khai mạc tiếp nối với việc ông Lê Hồng Anh đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Khóa XI Lê Hồng Anh đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI
Chiều 21-1, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về các văn kiện của Đại hội XII.
Đại hội XII sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Về công tác nhân sự, Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Theo phương án của Trung ương khóa XI thông qua trình Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sẽ có 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết. Tuy nhiên, con số chính thức phải được Đại hội XII bầu.
Dự kiến, việc bầu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ diễn ra trong ngày 27-1 tới.
Đại hội XII dự kiến bế mạc ngày 28-1 với sự ra mắt của Tổng Bí thư khóa XII và các thành viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
T.Dũng-P.Dương