Năm nay, cuộc thi quy tụ hơn 220 sản phẩm có chất lượng được chấm chọn, tổng hợp từ 15/18 huyện, thị xã, thành phố tham gia dự thi ở 4 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; bảo vệ môi trường - phát triển kinh tế và sản phẩm thân thiện môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. So với các cuộc thi trước, năm nay quy chế chấm thi được chú trọng, phần lớn sản phẩm/mô hình tham gia dự thi ở cấp tỉnh đã trải qua vòng sơ tuyển, chấm chọn, trao giải ở cấp huyện, thị xã, thành phố và gửi dự thi cấp tỉnh vào cuối tháng 6.2015. Trong số các địa phương tham gia, các đơn vị TP.Tam Kỳ, Duy Xuyên và Thăng Bình đã làm tốt công tác tuyển chọn và trao giải, gửi sản phẩm về ban tổ chức đúng thời gian quy định. Theo ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, nét mới của cuộc thi lần này so với các kỳ tổ chức trước đó là đã có sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực từ các địa phương, đơn vị trường học, các tổ chức đoàn và bản thân các em học sinh và gia đình. Các em và gia đình dành nhiều sự quan tâm đầu tư hơn cho lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như đầu tư vào chất lượng sản phẩm so với trước. “Cuộc thi trải qua 8 năm phát động đã phát huy niềm đam mê nơi các em, tạo sân chơi bổ ích cho giới trẻ. Với sự đầu tư công phu, sự vào cuộc của nhà trường, gia đình và đoàn thể tại cấp huyện nên chất lượng các sản phẩm năm nay cao hơn năm trước, nhiều sản phẩm có thể ứng dụng được ngay vào thực tế. Qua cuộc thi lần này hy vọng sẽ thúc đẩy tư duy nghiên cứu sáng tạo, giúp các em trở thành những nhà sáng chế trong tương lai” - ông Diệu chia sẻ.
Chấm chọn sản phẩm, mô hình dự thi. Ảnh: LIÊN NHÂN
Một nét mới đáng chú ý nữa là các sản phẩm được xét chọn đều dựa trên tiêu chí ứng dụng thực tế chứ không như các năm là phát huy ý tưởng và tư duy sáng tạo trong các em. Điển hình, mô hình “Xe đạp điện thông minh” của em Đoàn Lê Công Khang (lớp 11/1, Trường THPT Phan Châu Trinh, Tiên Phước) có gắn hệ thống chống trộm được điều khiển bằng điện thoại di động, có khả năng cải tiến nâng cấp lắp đặt hệ thống định vị GPS chống trộm. Hay như mô hình “Xe đánh rãnh và gieo hạt” của em Phan Thanh Nhã (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Duy Xuyên)… Đặc biệt, năm nay, lĩnh vực môi trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao như: “Máy sục khí, vớt chất cặn bã trong hồ nuôi tôm”, hay “Máy vớt rác cầm tay”... Còn ở lĩnh vực đồ dùng học tập, sản phẩm độc đáo, nổi trội, gắn với thực tế thu hút sự tò mò và đánh giá cao của ban giám khảo là sản phẩm “Tìm tên năm Âm lịch” của tác giả Nguyễn Thanh Quan (lớp 7/1, Trường THCS Lương Thế Vinh, Núi Thành)… Ở lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt và đồ chơi trẻ em cũng xuất hiện một số tác phẩm giàu tính mới lạ, độc đáo, ví như mô hình “Mạch điện tự động” của nhóm tác giả Ung Tấn Đức - Phạm Phương Thảo (lớp 10, Trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ; lớp 7, Trường Nguyễn Huệ)…
Tiếp sức “nhà sáng chế” trẻ
Qua 8 lần tổ chức, cuộc thi toàn tỉnh đã quy tụ 1.505 sản phẩm/mô hình đạt chất lượng. Không ít mô hình đoạt giải quốc gia, quốc tế. Chỉ tính riêng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2014, Quảng Nam có 5 giải, gồm 1 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích. Ở cuộc thi cấp tỉnh lần này, ban giám khảo đã chọn, xét trao giải đối với 41 mô hình/sản phẩm của 41 tác giả, nhóm tác giả gồm 4 giải nhất, 9 giải nhì, 10 giải ba và 18 giải khuyến khích. Những sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh sẽ tiếp tục được ban tổ chức xét chọn, gửi tham dự cuộc thi cấp quốc gia sắp tới. |
Theo nhận xét của nhiều thành viên ban giám khảo, trong số sản phẩm/mô hình đoạt giải đợt này, có một số mô hình/sản phẩm có tính mới mẻ, độc đáo và tính ứng dụng cao, có thể tạo thành phẩm với mục đích thương mại. Ví như, mô hình “Mạch điện thông minh” có thể được ứng dụng trong chiếu sáng nơi công cộng như đường làng, ngõ xóm, khu dân cư. Mạch điện này khác với những mạch điện hiện được sử dụng ở chỗ, ban ngày có thể tự động tắt, ban đêm tự động bật sáng và trong trường hợp mất điện đột ngột, sau khi có điện trở lại thì mạch điện tự khởi động, không cần có sự can thiệp của con người, máy móc, thiết bị. Việc tạo ra mạch điện thông minh này lại chỉ tiêu tốn khoảng 300 nghìn đồng, khá thấp so với sản phẩm trên thị trường. Hay mô hình “Xe điện thông minh”, ngoài được thiết kế như xe đạp điện thông thường trên thị trường thì có thêm khóa chống trộm thông minh, khi có trộm, thiết bị trên xe tự động gửi tin nhắn về cho chủ nhân, trường hợp nếu được gắn GPRS, có thể sẽ giúp tìm kiếm vị trí của chiếc xe... Ông Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam (thành viên ban giám khảo) nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp của các em, rất sát thực tế cuộc sống và đáng ghi nhận. Chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó các giải pháp này sẽ được bắt tay với các nhà sản xuất để sản xuất đại trà đáp ứng nhu cầu xã hội”…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả nói trên, có một thực tế khiến không ít nhà chuyên môn, nhà quản lý trăn trở là suốt 8 năm qua, dù số lượng mô hình, sản phẩm được đánh giá là giàu tính ứng dụng tại Quảng Nam, song đến nay vẫn chưa có cơ chế khuyến khích tạo cơ hội cho các nhà sáng chế trẻ biến ước mơ của mình trở thành hiện thực. Ở cuộc thi lần này, ông Nguyễn Văn Diệu chia sẻ, mới đây, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh đã xin ý kiến của UBND tỉnh về việc thành lập hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá đối với sản phẩm “Máy cắt xén cỏ” của tác giả Đào Bội Thuyên (đoạt giải Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh), đồng thời cũng xin ý kiến thành lập hội đồng khoa học thẩm định đối với những sản phẩm thiết thực, có khả năng thương mại hóa trong thực tế; đề xuất cơ chế hỗ trợ để biến những ý tưởng ban đầu của các em trở nên hoàn thiện, cải tiến hơn và có thể chế tạo ở thực tế.
HOÀNG LIÊN - THIỆN NHÂN