Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đoàn thanh niên cần có những cuộc vận động, phong trào để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông - Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống, động viên thế hệ trẻ đóng góp tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chăm lo cho lợi ích chính đáng của thanh niên.
Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo của thanh niên, phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới, xung kích đi đầu trong công tác gìn giữ trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn
“Trong lĩnh vực xã hội hiện nay đang nổi lên vấn đề tai nạn giao thông, phần lớn do bia rượu, đây là điều mà Đoàn thanh niên cần có những cuộc vận động, phong trào để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông. Hay là trong dịp tết vừa qua, nghe số liệu về bạo lực rất buồn, cho dù cần thống kê lại nhưng trong thực tế có những vụ chỉ va quẹt nhau, trên xe nhảy xuống không nói năng lời nào đã sử dụng bạo lực rồi. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên, làm sao để góp phần xây dựng nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn cho thế hệ trẻ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tốt với các cấp chính quyền để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thất học, bỏ học ở các cấp học, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tiếp cận cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng, tham gia xây dựng môi trường học đường lành mạnh.
Đề nghị Đoàn cần chủ động trong đề xuất chính sách, hỗ trợ thanh niên vay vốn học tập, trong hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập. Tiếp tục phối hợp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên.
Thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, chủ động phối hợp trong đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chăm lo phát triển cho thanh thiếu niên.
Thủ tướng nhấn mạnh các phong trào, các cuộc vận động của Đoàn thanh niên cần đem lại lợi ích thiết thực cho giới trẻ, ví dụ trong việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, trong việc tiếp sức mùa thi phù hợp với đổi mới thi cử...
Thủ tướng cũng gợi ý trong thời đại hiện nay, tổ chức Đoàn các cấp nên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo Trung ương Đoàn - Ảnh: Việt Dũng |
Đào tạo “lãnh đạo trẻ” không phải để lên chức
Tại cuộc làm việc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã nêu một số đề xuất, kiến nghị, trong đó có việc liên quan đến đề án thí điểm tổ, đội thanh niên xung phong ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ liên kết khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa.
Hiện Trung ương Đoàn đã tiến hành khảo sát tại Bình Định và hoàn thiện dự thảo đề án để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Khẳng định ủng hộ đề án thí điểm nêu trên, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý trong sản xuất kinh doanh, việc gì của chung thì rất khó, phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, lợi ích cụ thể mới thành công được.
Cho vay chung chung là không thành công, chính vì vậy đề án phải đi vào những việc thiết thực, ví dụ ở địa phương có một ngư dân trẻ làm ăn được thì cho ngư dân này vay với điều kiện phải tạo việc làm cho các ngư dân trẻ khác...
Về mô hình đào tạo lãnh đạo trẻ là cán bộ Đoàn, doanh nhân trẻ và cán bộ khoa học công nghệ trẻ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương, vấn đề đặt ra là cần phải điều chỉnh khái niệm “lãnh đạo trẻ”.
Theo ông Quân, không nên bó hẹp nội hàm khái niệm này cũng như cần mở rộng các đối tượng được đào tạo. Cùng quan điểm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đoàn cần phải làm cho dư luận hiểu đào tạo “lãnh đạo trẻ” ở đây không phải là lên hàm cấp vụ, cấp cục hay thứ trưởng, bộ trưởng mà là đào tạo kỹ năng làm lãnh đạo như quản trị, quản lý, thuyết trình, diễn thuyết...
Phó thủ tướng cũng cho rằng không nên giới hạn là cán bộ Đoàn, doanh nhân, nhà khoa học mà cần phải kêu gọi tập hợp được rộng rãi những thanh niên ưu tú tham gia vào quá trình này.
Trong phát biểu của mình, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định Đoàn sẽ vận dụng trong triển khai các chương trình, đề án theo quan điểm giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng, đồng thời hạn chế xây mới mà tận dụng các trụ sở có sẵn và ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Trung tâm giới thiệu việc làm không cần to
Đề cập dự án đầu tư xây dựng 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng: “Tôi nói thẳng nói thật là có những trung tâm giới thiệu việc làm không bằng một công ty giới thiệu việc làm tư nhân, do một người trên 30 tuổi làm chủ”. Nhắc lại câu chuyện này, ông Đam cho rằng Đoàn cần phải xem lại thực tế hiệu quả của các trung tâm giới thiệu việc làm để điều chỉnh. “Nên khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào tìm kiếm việc làm, đừng nặng về cơ sở vật chất. Trung tâm đào tạo thì mới cần xây dựng trụ sở rộng, còn nếu chỉ giới thiệu việc làm đơn thuần thì không cần to” - ông Đam phân tích.
Từ đó, Phó thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn cần nghiên cứu dùng 200 tỉ đồng trong đề xuất để làm vốn ban đầu hơn là xây dựng trung tâm, tận dụng trụ sở của thiết chế để sử dụng hoặc thành lập các giao dịch qua mạng, không nhất thiết phải dùng số tiền lớn đó để xây dựng.
Phó thủ tướng cũng gợi ý với các khu đất hiện có, Đoàn cần mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để họ xây dựng.
|
L.HOÀI - V.V.THÀNH