Nhớ ngày Bác còn sống, cứ đúng thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, tất cả đất trời đang rộn rã tiếng pháo bỗng dưng im bặt. Trong mỗi căn nhà, mọi người như nín thở chờ đợi từ chiếc đài đường dây sau một hồi rẹt rẹt chợt lặng đi rồi bỗng cất lên tiếng cô phát thanh viên: “Nhân dịp năm mới, mời đồng bào, chiến sĩ trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch”. Sau đó là lời đầm ấm của Bác vang lên: “Đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ở nước ngoài thân mến! Các cháu thanh thiếu niên yêu quý…”.
Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã làm tất cả 22 bài thơ chúc tết. Có năm Bác đọc thơ sau lời chúc tết nhưng cũng có năm Bác chúc tết bằng thơ. Bài thơ đầu tiên là Thơ chúc tết Xuân Nhâm Ngọ (1942), Bác đã viết: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau ! Chúc Việt Minh ta càng tấn tới. Chúc toàn quốc ta trong năm này. Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!”. Bài cuối cùng Bác viết là vào năm Kỉ Dậu (1969): “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.
Những bài thơ chúc tết của Bác thường mộc mạc song gửi gắm tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu tới đồng bào của mình cùng với những lời hiệu triệu và chiến lược hành động của đất nước.
Trong bài Thơ chúc tết 1969, tất cả có sáu câu thì câu đầu là tổng kết năm cũ (Năm qua thắng lợi vẻ vang), vạch ra mục tiêu cho năm mới(Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to), câu thứ ba là khẩu hiệu hành động (Vì độc lập, vì tự do), câu thứ tư là phương châm, kế sách(Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, câu thứ năm là lời hiệu triệu(Tiến lên chiến sĩ đồng bào) và câu thứ sáu là cho ngày thắng lợi cuối cùng: “Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Sau này, lịch sử thống nhất đất nước đã diễn ra đúng như lời thơ của Bác. Đế quốc Mỹ rút quân về nước một thời gian đến lượt chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn. Và Mùa xuân 1975 là mùa xuân cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất: “Bắc-Nam sum họp…!”.
Thêm một mùa xuân mới đã về và cũng là thêm một mùa xuân vắng Bác nhưng lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác vẫn còn mãi với non sông, đất nước. Bác không chỉ “nằm trong lăng giấc ngủ bình yên” mà Bác đã, đang và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Mỗi người dân không chỉ thấy hình bóng Bác trong cuộc vận động Học tập tấm gương đạo đức của Người mà còn như thấy Người đang cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4.
Mỗi mùa xuân đến, có lẽ trong tâm tưởng của rất nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nhớ về Bác. Và bỗng dưng tôi chợt hỏi: Bác là Mùa xuân hay Mùa xuân là Bác?
Bùi Hoàng Tám