Chị Trần Thị Chung, (50 tuổi), thuộc diện cận nghèo ở thôn Phú Bình, (xã Tam Phú), có 2 con đang theo học THPT và Đại học, nguồn nhu nhập chính của cả gia đình chủ yếu từ 4 sào lúa nên dù quanh năm đầu tắt mặt tối mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Từ khi tham gia lớp học nghề mây tre đan này, chị Chung không bỏ sót buổi học nào với hy vọng sau khi học nghề sẽ có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Chị cho biết, nghề mây tre đan rất thích hợp với phụ nữ nông thôn vì có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi, chị em có thể nhận gia công sản phẩm vào buổi trưa hoặc chiều, tối, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ.
Theo ước tính, với việc tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để nhận sản phẩm về gia công, một lao động nữ có thể thu nhập thêm từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/ngày. Chị Trần Thị Bình – Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Phú cho biết, để mô hình hoạt động hiệu quả, Hội sẽ đứng ra thành lập tổ hợp tác để làm đầu mối nhận sản phẩm về gia công. Ngoài ra, từ đầu khóa học, UBND xã Tam Phú cũng đã ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu và đảm bảo đầu ra sản phẩm trong vòng 15 năm để đảm bảo hiệu quả dài hạn.
Anh Lê Quang Lưu – Phó Phòng đào tạo, Trung tâm dạy nghề thanh niên của Tỉnh đoàn Quảng Nam cho biết, xã Tam Phú là đơn vị đầu tiên được chọn để thực hiện thí điểm mô hình này, trong thời gian 3 tháng, học viên được hướng dẫn kỹ thuật đan, gia công từ nguồn nguyên liệu sẵn có do Công ty sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, đóng tại huyện Núi Thành cung cấp, doanh nghiệp cũng đảm nhận bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Về phía Trung tâm dạy nghề thanh niên sẽ hỗ trợ cho mỗi lớp học một máy bơm, máy bắn trị giá gần 5 triệu đồng để học viên thực hành… Đây là chương trình thuộc đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mục tiêu trong năm 2014, Trung tâm sẽ liên kết với doanh nghiệp để thực hiện mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 500 học viên tại huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ.
Những tín hiệu tích cực từ lớp đào tạo nghề mây tre đan ở xã Tam Phú, có thể thấy đây là mô hình rất phù hợp, thiết thực giúp đỡ cho phụ nữ nghèo vùng nông thôn, cần được triển khai nhân rộng. Trong đó, yếu tố quan trọng là cần đảm bảo sợi dây liên kết giữa Trung tâm dạy nghề với học viên và doanh nghiệp để phát triển dài hạn.