Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Hưng: “Hiến định Điều 4 trong Hiến pháp là tất yếu khách quan”
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Hưng tâm sự: “Khi chưa có Đảng, đất nước ta thiếu ngọn đuốc sáng soi đường nên vận mệnh dân tộc như con thuyền không lái. Các phong trào yêu nước khi ấy diễn ra sôi nổi, quyết liệt nhưng đều tự phát nên cuối cùng đều rơi vào thất bại, bị đàn áp dã man. Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập, đánh đổ mọi xiềng xích áp bức tồn tại từ hàng trăm năm qua, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên của tự do, độc lập”. Ông Nguyễn Hưng nhìn nhận, tiếp nối lịch sử, những thành tựu đạt được của ngày hôm nay là thành quả chung của cả dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là tất yếu lịch sử. Vì thế, tôi cho rằng, hiến định Điều 4 trong Hiến pháp không có gì phải bàn cãi. Theo từng giai đoạn lịch sử, chúng ta sẽ có sự góp ý điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hơn. Tôi nghĩ đó cũng là ý nguyện của nhiều người” - ông Nguyễn Hưng nói.
Chủ tịch Hội Từ thiện huyện Thăng Bình - Phạm Văn Chương: “Uy tín của Đảng sẽ được nâng cao”
Theo ông Phạm Văn Chương, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung thêm Khoản 3 là rất kịp thời, góp phần hoàn thiện, nâng cao vai trò, vị thế lãnh đạo của Đảng. “Mỗi đảng viên cũng là một công dân. Một công dân tốt là công dân đó sống và làm việc, sinh hoạt theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hài hòa được hai thành tố “đảng viên” và “công dân” là vấn đề cốt lõi mà Khoản 3 muốn đề cập” - ông Chương nói. Cũng theo ông, Đảng thay mặt nhân dân lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng cũng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự điều chỉnh của luật, có như vậy vai trò và trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên mới được nâng cao. Như vậy, uy tín lãnh đạo của Đảng cũng nâng cao”.
Lực lượng vũ trang cùng nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng
Cụ Tống Thú - cán bộ hưu trí thôn Ngọc Tam (xã Điện An, Điện Bàn) chia sẻ: “Thời gian qua, theo dõi các kênh thông tin về việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi thấy xuất hiện các ý kiến cho rằng nên phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Tôi cật lực phản đối, phản bác trước các ý kiến này. Tôi nghĩ đó là sự lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp để thực hiện mưu đồ riêng của một số cá nhân có tư tưởng chống đối, cực đoan”. Cụ Tống Thú đặt câu hỏi: “Nếu lực lượng vũ trang không có tư tưởng, lập trường chính trị thì tổ chức ra để phục vụ cho mục đích gì?”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, đi từ thắng lợi vẻ vang này đến thắng lợi vẻ vang khác. Hòa bình, cùng với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, lực lượng vũ trang không ngừng được kiện toàn, củng cố sức mạnh về mọi mặt để cùng Đảng, cùng nhân dân bảo vệ thành quả của cách mạng. “Nếu ai đó đã trải qua những năm tháng tranh đấu gian khổ, chịu nhiều mất mát hy sinh để có được trái ngọt của độc lập, tự do hôm nay, chắc hẳn sẽ không bao giờ đưa ra ý kiến góp ý đi ngược lại với lợi ích, mong muốn của nhân dân như vậy” - cụ Tống Thú nói.
HÀN GIANG - MINH HẢI