Đò ngang Thu Bồn - Phú Thuận là một trong những bến đò có lượng khách qua lại lớn trên sông Thu Bồn, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 lượt khách qua lại. Trên tuyến đò này, có 2 con đò chở khách và hàng hóa, tuy nhiên trong thời điểm buổi sáng sớm hoặc chiều tối lượng khách qua lại rất đông, trong khi mỗi đò chỉ được chở không quá 12 khách. Nhiều người dân phản ánh về việc chủ đò chở quá số lượng người cho phép, và rất ít người có ý thức sử dụng áo phao, phao nổi khi qua đò, một số người dân còn biểu hiện khó chịu khi sử dụng các loại vật dụng cứu sinh này. Nên việc mất an toàn cho người dân trên mỗi chuyến đò ngang vẫn còn diễn ra.
Để thêm an toàn trên mỗi chuyến đò ngang, Hội LHTN Việt Nam tại các xã Đại Thắng và Đại Lộc cũng đã tổ chức thành lập đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại bến đò ngang an toàn. Mỗi đội có 12 thành viên, sẽ thay phiên nhau trực tại các bến đò. Nhiệm vụ của các thanh niên tình nguyện là tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và phối hợp với lực lượng chức năng nhắc nhở các chủ đò thực hiện chở khách đúng quy định, trang bị đầy đủ áo phao và tham gia ứng cứu khi xảy ra tai nạn. Ngoài ra đội thanh niên tình nguyện còn phối hợp với các trường học, cơ sở y tế để dạy bơi và xử lý các tình huống xảy ra khi bị tai nạn, cứu người và phòng chống đuối nước cho các em học sinh vào các dịp hè.
Trước đó, tại huyện Nông Sơn cũng đã diễn ra lễ bàn giao và đưa vào sử dụng bến đò an toàn Trung Phước, xã Quế Trung. Hội LHTN xã Quế Trung cũng đã thành lập đội TNTN đảm bảo an toàn trên bến đò ngang này. Đò ngang Trung Phước, trung bình mỗi ngày hơn 700 người dân qua lại, trong đó số học sinh THCS và THPT hơn 130 em. Là người dân thường xuyên qua lại tại tuyến đò ngang, ông Nguyễn Cán (71 tuổi)- người dân xã Quế Trung cho biết: các em học sinh ở độ tuổi này rất hiếu động, đôi lúc nhắc nhở nhiều lần khi lên đò phải mang áo phao nhưng các em không nghe theo, nên rất nguy hiểm. Ông cũng đề nghị các TNTN và nhà trường cần có nhiều hành động hơn để giúp quản lý các học sinh và người dân, cần tuyên truyền mạnh hơn về ý thức mang áo phao mỗi lúc qua đò.
Được biết, “Bến đò an toàn” được xây dựng nguồn kinh phí của UBND tỉnh gồm các hạng mục như đường dẫn xuống bến, sàn gỗ kê đi qua đò, bảng pan nô tuyên truyền về việc chấp hành các quy định luật đường thủy nội địa và mỗi đò được cấp thêm 12 áo phao, phao cứu sinh để để phòng tai nạn xảy ra.
Đội TNTN đảm bảo an toàn trên các tuyến đò ngang bắt đầu đi vào hoạt động trong đầu tháng 01.2014. Đây là hoạt động đầu tiên, thể hiện tinh thần xung kích tình nguyện trong "Năm Thanh niên tình nguyện 2014".