Theo Ban Chỉ đạo chương trình NTM, năm 2014, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của 206 xã là 8 - 9 tiêu chí/xã, tăng 2 - 3 tiêu chí/xã so với năm 2013. Trong đó, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 (60 xã) là 13 - 14 tiêu chí/xã, tăng bình quân 3 - 4 tiêu chí/xã so với năm 2013; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm xã còn lại (146 xã) là 7 - 8 tiêu chí/xã, tăng 2 - 3 tiêu chí/xã so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, phấn đấu có 5 xã hoàn thành 19 tiêu chí gồm Điện Quang, Điện Trung, Tam Phước, Đại Hiệp, Tam An; 100% số xã hoàn thành công bố, cắm mốc quy hoạch NTM, hoàn thành đề án xây dựng xã NTM và đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.
Để triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu các ngành, các cấp chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Ngoài ra các địa phương cần chỉ đạo khẩn trương lập, phê duyệt đề án NTM, hoàn thành trong quý I.2014; tập trung chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, chậm nhất đến quý II.2014 tất cả các xã phải được phê duyệt đề án phát triển sản xuất để làm cơ sở bố trí vốn. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Khi triển khai đào tạo nghề cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học”.
Đối với công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chỉ đạo các huyện đồng bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, đảm bảo tính bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, những vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Các huyện miền núi cần chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi như Chương trình 30a, 135...
Linh Chi