Có nghề, có việc làm
Những ngày qua, 66 học viên là nông dân của xã Cẩm Hà đã tham dự lớp tập huấn về biện pháp và kinh nghiệm sử dụng thuốc thú ý trong chăn nuôi cũng như nghề trồng hoa cây cảnh. Dựa trên nhu cầu học nghề nông nghiệp của nông dân Cẩm Nam, UBND phường Cẩm Nam, Hội Nông dân và Phòng Kinh tế TP.Hội An cũng đang phối hợp tổ chức một lớp học như thế. Bà Nguyễn Thị Nhơn (ở xã Cẩm Hà, thành viên lớp học) cho biết: “Đây là những kiến thức bổ ích để chúng tôi áp dụng trực tiếp vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế”.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Thành Đoàn, trường Trung cấp Nghề bắc Quảng Nam, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp mở 6 lớp đào tạo nghiệp vụ chế biến món ăn, nghề pha chế, nhà hàng, nghề trồng hoa cây cảnh, làm lồng đèn và các kỹ năng liên quan đến sản xuất nông nghiệp cho gần 200 lao động nông thôn. Ông Trần Đồng - Phó phòng LĐ-TB&XH Hội An cho biết: “Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Hội An giai đoạn 2011 - 2015, đến nay toàn thành phố đã giải quyết được gần 1.500 lao động chưa có việc làm, lao động đến tuổi, lao động dôi dư trong nông nghiệp cũng như lao động bị mất đất sản xuất. Qua đào tạo, nhiều lao động có việc làm ổn định, từ đó thoát được nghèo như hộ bà Nguyễn Thị Nhơn, Nguyễn Thị Hoa, Lý Thị Mỹ Dung ở Cẩm Hà...”.
Hằng năm, thành phố đều tổ chức điều tra, tổng hợp số liệu biến động người có nhu cầu học nghề cũng như nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở dạy nghề, tổ chức đào tạo ngắn hạn hoặc sơ cấp, trung cấp. Sau khi các học viên hoàn thành khóa học, phòng tiếp tục làm cầu nối giữa người lao động với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu việc làm. Bằng cách này, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã có trên 500 lao động có việc làm mới, trong đó có gần 200 học viên có việc làm ngay sau khi kết thúc các khóa học.
Thiện chí của doanh nghiệp
Chung tay cùng thành phố tạo việc làm cho người lao động, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa phương cũng đã thực hiện các cơ chế tuyển dụng phù hợp. Công ty CP Thời trang YALY hay Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An, Công ty Á Đông Silk, Thắng Lợi, Eco Tour… luôn là những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiếp nhận thực tập, học nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bà Trịnh Diễm Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Thời trang YALY cho hay: “Ngoài việc hỗ trợ kinh phí học nghề ban đầu cho người lao động là 300 nghìn đồng vào tháng thứ 2, công ty còn hỗ trợ xe đạp làm phương tiện đi lại cho một số lao động có hoàn cảnh khó khăn”.
Riêng với Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Hội An, 2 năm qua đã phối hợp cùng các phòng, ban tổ chức thành công 7 lớp đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cho 550 lao động trong ngành du lịch - dịch vụ. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, thành phố đã thành lập “Ngôi nhà tình thương” tại Khổng Tử miếu làm nơi sinh hoạt cho các anh chị em trong Chi hội Thanh niên khuyết tật, đồng thời cũng là cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm. “15 anh chị em khuyết tật chúng tôi được dạy các nghề thủ công như làm túi giấy, dán lồng đèn, hàng lưu niệm. Việc làm luôn ổn định và có thu nhập hằng tháng là điều kiện để anh chị em ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng” – chị Nguyễn Thị Thúy Phương (Chi hội Thanh niên khuyết tật TP.Hội An) nói.
Trở lực
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện một số doanh nghiệp sử dụng và tuyển lao động thông qua hình thức thử việc, không nặng về bằng cấp nên người lao động có suy nghĩ không nhất thiết phải qua đào tạo. Kỹ sư Võ Quảng Lâm - Phòng Kinh tế Hội An cho rằng đây chính là trở lực cho công tác vận động người lao động tham gia các khóa đào tạo. Mặt khác, khi tham gia đào tạo, một bộ phận lao động nông thôn không mặn mà với việc chuyển dịch ngành nghề, tình trạng một số học viên, chủ yếu là thanh niên có biểu hiện đối phó nên không hoàn thành chương trình hoặc khi đã hoàn thành nhưng chất lượng nghề không cao. Thêm vào đó, nhiều lao động nông thôn do khó khăn về kinh tế và ở cách xa cơ sở dạy nghề nên chưa tham gia theo học. Thậm chí khi đã học xong, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng học viên không đăng ký vào làm vì quá xa nhà. Đơn cử các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế mở Chu Lai hoặc Dung Quất, địa điểm sản xuất cách xa so với TP.Hội An.
Ông Trần Đồng - Phó phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết thêm: “Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của thành phố là phải tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng dần chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. “Đào tạo phải gắn với sử dụng”, đó là phương châm để chúng tôi phối hợp với các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, trường học và các địa phương tiếp tục đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Hội An”.