Nâng chất đội ngũ cán bộ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ là một nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Báo cáo tại hội nghị Tỉnh ủy diễn ra cuối tuần qua về kết quả thực hiện nhiệm vụ đột phá nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định: “Qua gần 3 năm (2011 - 2013) thực hiện nghị quyết, nhiều chương trình, đề án được tích cực triển khai như thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; đề án Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020; đề án Đào tạo cán bộ, bồi dưỡng công chức giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; đề án Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; đề án Tuyển chọn đào tạo cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016… Theo đó, từ năm 2011 đến nay, đã có 32 nghìn lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng quản lý nhà nước”. Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Khương cho rằng, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh từng bước được nâng cao cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đạt 3 chuẩn chiếm 65,04%, tăng 11,18% so với thời điểm năm 2010; cấp ủy huyện, thành phố đạt chuẩn về đại học chuyên môn chiếm 83,76%, tăng 3,6%; cán bộ đạt chuẩn về cao cấp, cử nhân lý luận chính trị chiếm 89,3%, tăng 6,9%. “So với trước đây, có thể nói các nghị quyết của Tỉnh ủy lần này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả rất tốt”, ông Khương nói. Theo ông Khương, thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; chú trọng việc tạo nguồn cán bộ xã, phường, thị trấn theo Đề án 500, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc ít người để đảm bảo chuẩn hóa cán bộ theo quy định và chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp cho Đại hội Đảng vào năm 2015. Đồng thời, cần tăng cường công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ, thực hiện thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015. Chuyển biến giáo dục, dạy nghề Những năm qua cả tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 3 trường trung học chuyên nghiệp. Mạng lưới trường lớp phổ thông cũng được mở rộng, đặc biệt là hệ thống trường THPT chuyên. Ngoài việc đầu tư, ban hành chế độ chính sách với nhiều ưu đãi cho học sinh, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 2012 đã thành lập thêm trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam, góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho tỉnh. Theo Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bên cạnh cơ sở vật chất, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên luôn được ngành xem là khâu đột phá để đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng. “Để thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, ngành GDĐT tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ tỉnh XX và Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, xây dựng nền GDĐT tỉnh phát triển đồng bộ, chất lượng” - ông Thắng chia sẻ. Trong khi đó, mạng lưới đào tạo nghề cũng đã được hình thành đa dạng, rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 49 cơ sở đào tạo nghề; trong đó 2 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 19 trung tâm dạy nghề, 5 trường cao đẳng có tham gia đào tạo nghề, 19 trung tâm khác và doanh nghiệp tham gia dạy nghề (tăng 6 cơ sở dạy nghề so với năm 2011). Nhờ đó đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 31,5% năm 2010 lên 36,6% năm 2013. Chất lượng đào tạo nghề cũng từng bước nâng lên, bước đầu đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế như thừa lao động thủ công, tay nghề thấp nhưng lại thiếu lao động trình độ kỹ thuật cao, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giải quyết bài toán này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Võ Duy Thông cho rằng, thời gian đến, cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng dạy nghề; đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng chương trình giảng dạy, tiếp nhận lao động sau khi hoàn thành khóa học. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đề cập về những giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn đến, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “Cần lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các đề án về xác định vị trí làm việc; đào tạo, luân chuyển cán bộ. Nghiên cứu thu hút nhân tài, đặc biệt cần xác định đúng những ngành, nghề tỉnh đang cần để có chế độ đãi ngộ phù hợp. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đề án thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú; nâng cao chất lượng dạy - học và bồi dưỡng ngoại ngữ. Đưa xuất khẩu lao động thành một chương trình lớn, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu để tham gia thị trường lao động có giá trị cao, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh - tế xã hội”. |
|