Với số tiền 15 triệu đồng tích góp ban đầu, anh vay thêm của ba mẹ, bạn bè để mua 30 con thỏ giống của Trung tâm Nghiên cứu thỏ Việt Nhật ở Ninh Bình. Lúc mới nuôi, do chưa nắm hết kỹ thuật nên anh gặp không ít khó khăn, nhất là bệnh tiêu chảy đối với thỏ con. Anh nhớ lại: “Hồi đó, cứ một ngày là phải đem tiêu hủy từ 4 đến 5 con, gia đình thấy vậy thì đứng ngồi không yên”. Thất bại nhưng anh không nản. Sau một thời gian không ngừng học hỏi kinh nghiệm, đến nay anh đã nắm chắc kỹ thuật nuôi thỏ. Hiện tại, trang trại của anh có 220 con thỏ giống, định kỳ cứ 3 tháng cho một lứa thỏ con. Thỏ con nuôi từ 3 - 3,5 tháng tuổi là có thể xuất chuồng. Trong vòng chưa đầy hai năm, từ 30 con giống ban đầu đến nay, anh có tổng cộng gần 1.000 con thỏ thịt, mỗi con cân nặng khoảng 1,8 - 2kg đang phát triển khỏe mạnh. Số thỏ này độ nửa tháng nữa là anh có thể xuất đi thị trường Đà Nẵng. Giá thỏ thịt ngoài thị trường hiện nay là 85.000 đồng/kg hơi và thỏ giống là 170.000 đồng/kg.
Hiện tại, anh Sơn đang cung cấp con giống và chuyển giao kỹ thuật cho những thanh niên trong và ngoài huyện có nhu cầu nuôi thỏ. Anh tâm sự: “Điều mà tôi làm được sau gần hai năm lập nghiệp chính là vốn liếng về kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi giống thỏ New Zealand. Tôi hy vọng, trang trại của tôi ngày càng được mở rộng để cung cấp nguồn thịt thương phẩm và nhân giống thật nhiều cung cấp nhu cầu giống ở địa phương”.
Không chỉ chuyên tâm về kinh tế, hiện Nguyễn Văn Sơn còn đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã Đại Quang và là một người có nhiều tâm huyết với thanh niên quê nhà. Anh đã vận động, thuyết phục thanh niên ở quê để lập nghiệp thay vì phải đi làm ăn ở nơi đất khách quê người. Để làm được điều này, anh thường xuyên khảo sát nhu cầu vay vốn của thanh niên, đồng thời tham mưu với cấp trên tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp. Anh chia sẻ, thấy có rất nhiều thanh niên với những ý tưởng rất hay như mở xưởng cơ khí, ga-ra ô tô… nhưng họ lại gặp khó khăn về nguồn vốn, nên anh muốn tìm mọi cách để huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Thời gian tới, xã Đại Quang sẽ thành lập tổ hợp tác kinh tế tập hợp những thanh niên làm kinh tế tại địa phương và bắt đầu phân bổ nguồn vốn vay cho những người muốn vay vốn để lập nghiệp tại quê nhà. Có được thành công bước đầu từ trang trại nuôi thỏ, anh Sơn đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với các đoàn viên, thanh niên trong xã. Anh tâm sự: “Mình phải đi đầu trong phong trào lập thân lập nghiệp để anh em trong xã noi theo và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.