Theo như chia sẻ của ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ - Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 PCT xã, trong quá trình thẩm tra và kiểm tra dự án, mỗi miền đất ông đến đều để lại tình cảm và nhiều xúc động ở nhiều cung bậc khác nhau. “Tôi đến xã La Pán Tần, xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải. Qua trao đổi với bà con tại xã, chúng tôi rất mừng, cảm động trước sự quan tâm, chào đón của bà con khi có các đội viên về công tác. Em Hà Chấn Thảo về xã Pá Hu. Em gắn bó rất tốt, em đã lập gia đình tại đó. Trong hội nghị, đồng chí bí thư phát biểu em Thảo làm việc rất tốt. Tôi cũng hỏi đồng chí bí thư về quy hoạch sắp tới thì được biết em đang được quy hoạch chức danh Chủ tịch xã giai đoạn 2016-2021”.
Còn theo ông Giàng Chứ Ly, lãnh đạo xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, khi dự án được chính thức triển khai, PCT xã của xã La Pán Tẩn được cử về là đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lam (thường trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái). Theo nhận xét của ông Giàng Chứ Ly, thì PCT xã Nguyễn Thị Thanh Lam là một trí thức trẻ rất ham học hỏi. Ngay từ khi nhận công tác mới, Thanh Lam đã không ngừng nghỉ tổ chức các chuyến đi trực tiếp xuống các bản. Sau 2 năm làm việc, được lãnh đạo xã giúp đỡ, được bà con nhân tin yêu, Thanh Lam đã có nhiều tiến bộ. Giờ đây, Thanh Lam đã có thể giao tiếp với bà con bằng tiếng dân tộc Mông, từ đó có điều kiện để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt được sâu sát tình hình, gia cảnh của nhiều hộ gia đình, từ đó, các đề xuất nêu ra đều phù hợp với tình hình địa phương và có những bước đột phá trong công việc…
Ngoài ra, dự án 600 PCT xã còn có rất nhiều những gương điển hình trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, như trường hợp của Trịnh Bảo Luân, PCT xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạch tỉnh Bình Định; Nguyễn Thành Phong, PCT xã Tấn Đạo, tỉnh Bắc Giang, triển khai dự án trồng khoai tây. Đạo đã chủ động cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương để giới thiệu bà con trồng. Sau khi trồng, bạn đề xuất xã giới thiệu mình liên hệ các công ty để bao tiêu sản phẩm. Vụ Đông năm 2012 vừa rồi, dự án của bạn đã trồng được 18ha, thu lãi được 4,5 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án 600 PCT xã, cũng đã nảy sinh không ít những khó khăn, vướng mắc. Theo chia sẻ của bà Mã Thị Trà My, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), khi dự án về huyện Bảo Lâm thì huyện gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp. Thêm vào đó, có tình huống như là đối với huyện có 10 PCT xã, khi tuyển dụng có trình độ chuyên môn sư phạm, nhưng sau khi về xã thì nhận nhiệm vụ chuyên môn là kinh tế. Do vậy, nhiệm vụ không phù hợp chuyên môn tuyển vào.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ - Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 PCT xã, thì theo quy định tại QĐ số 08 ngày 26/1/2011 của Thủ tướng, đội viên tham gia dự án thuộc biên chế nhà nước nhưng không nằm trong số lượng, cơ cấu chức danh theo Nghị Định 92, 600 PCT xã trong dự án là thuộc nguồn biên chế của nhà nước đã quy định. Theo đó, nếu hết 5 năm thực hiện dự án, nếu xã có nhu cầu tiếp tục quy hoạch vào các chức danh tương đương hoặc cao hơn, thì sẽ ưu tiên bố trí ở cấp xã để tăng cường giúp cho cơ sở và phát triển tiếp theo. Nếu trong trường hợp cơ cấu số lượng công chức ở xã không có điều kiện để quy hoạch bố trí sử dụng, các PCT xã sẽ được xét tuyển công chức ở cấp huyện, cấp tỉnh (xét tuyển chứ không phải thi tuyển)
Được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011, dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đến nay đã hoàn thành giai đoạn I. Qua thực tế triển khai 1 năm, lúc đầu chỉ có 39 đảng viên nhưng sau 1 năm dự án đã có thêm 49 bạn kết nạp Đảng và 65 đội viên được bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. |