Ngưỡng cửa đại học chuẩn bị chào đón chàng tân sinh viên đặc biệt Phạm Phú Thịnh. Còn ở xã Tam Vinh những ngày này, người dân trong xóm đi đâu cũng báo tin cho nhau “thằng Thịnh đỗ đại học”.
Trong căn nhà cấp 4 mà vách tường như được trang trí bằng giấy khen thành tích học tập suốt 12 năm qua của Thịnh, em cho biết mình không có góc học tập cố định. Bàn khách, hiên nhà, sân vườn… đều có thể là bàn học của em. Để nhìn rõ con chữ, em phải cúi sát, gần như dán mắt vào sách vở. Khó khăn trong việc ghi chép nên em vận kiến thức bằng “sức nghe” ở lớp nhiều hơn. Mười hai năm “ngửi chữ”, em luôn là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi, từng bước chinh phục con đường học vấn của mình.
Để có thành tích học tập như ngày hôm nay, Thịnh luôn lấy tấm gương của chị gái là Phạm Thị Thu Sen (đang là sinh viên năm 4, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) để phấn đấu. “Chị gái em cũng bị cận loạn những 13 độ nhưng học rất giỏi. Chị dạy cho em phải gạt bỏ mọi tự ti, mặc cảm và lúc nào bản thân mình cũng luôn hướng về phía trước” - Thịnh tâm sự.
Càng vui hơn khi nghe Thịnh kể về cô em gái cũng học rất giỏi. Nhà vỏn vẹn 3 sào ruộng, ba làm thuê ở một xưởng gỗ, còn mẹ đi gom mua ve chai. Bà Lưu Thị Huệ - mẹ Thịnh cho biết, vợ chồng không dám đi làm xa vì phải ở nhà lo chăm sóc Thịnh. Từ ngày em làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cả nhà rất lo lắng đến cuộc sống tự lập của em sau này. Bà Huệ sụt sùi: “Cháu đậu đại học ai cũng mừng, nhưng lo cũng nhiều vì chưa biết sắp xếp như thế nào để có người bên cạnh cháu khi ngày nhập học sắp đến gần”. Trước đây gia đình đã lặn lội khắp các bệnh viện để điều trị mắt cho em nhưng không khỏi. Thậm chí mẹ em còn có ý “nhường” mắt cho em nhưng bác sĩ không cho phẫu thuật vì thần kinh Thịnh rất yếu.
Chia vui với cậu học trò học giỏi, thầy giáo Phan Nhật Đức - chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Dục (Phú Ninh) kể rằng, Thịnh được ưu tiên tuyển thẳng vào trường Đại học Quảng Nam nhưng em muốn thử sức “nóng” ở chương trình thi đại học. “Thịnh rất thông minh, tư duy tốt, thầy cô có định hướng cho em thi vào ngành công nghệ thông tin nhưng em thích ngành sư phạm. Nhà trường sẽ trao quà cho em vào ngày khai giảng sắp tới để tuyên dương thành tích học tập của em, làm tấm gương cho các khóa học sau” - thầy Đức nói.
Con đường trở thành thầy giáo của cậu học trò “ngửi chữ” Phạm Phú Thịnh hẳn sẽ còn lắm chông chênh không chỉ bởi bản thân khiếm khuyết mà còn nỗi lo về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhưng với nghị lực của cậu học trò này, ai cũng hướng niềm tin về một ngày mai tươi sáng.
PHẠM VĂN HÀO
(Theo Báo Quảng Nam)